• +84-24-35771501
  • info@vietphan.com.vn

Author Archives: Thanh Hằng Lê

TẦM QUAN TRỌNG CỦA MÁY THỞ TRONG ĐẠI DỊCH COVID -19

Thanh Hằng Lê No Comments

Để đối phó với số lượng bệnh nhân nhiễm coronavirus ngày càng tăng, các cơ quan y tế trên khắp thế giới đang cần tới nhiều máy thở hơn.

Các nhà sản xuất ô tô đang đề nghị chung tay giúp sản xuất máy thở. Thị trưởng thành phố New York, ông Bill de Blasio cho biết thành phố cần 15.000 chiếc.

TẦM QUAN TRỌNG CỦA MÁY THỞ TRONG ĐẠI DỊCH COVID -19

Trong khi đại đa số những người mắc bệnh Covid-19 chỉ gặp các triệu chứng nhẹ, khoảng 6% cần tới dịch vụ chăm sóc tại bệnh viện, những bệnh nhân lớn tuổi có nguy cơ cao hơn.

Chính quyền Úc cho biết quốc gia  này tin rằng họ có thể tránh được tình trạng thiếu máy thở. Theo Giáo sư David Story, phó giám đốc Trung tâm chăm sóc tích hợp của Đại học Melbourne, và là bác sĩ gây mê tại Bệnh viện Austin: “Lý do đây là một cuộc khủng hoảng là vì không có máy thở, bệnh nhân sẽ chết”.

Giáo sư Sarath Ranganathan, thành viên hội đồng Tổ chức phổi Australia và gtrưởng khoa Điều trị các bệnh về Hô hấp và Giấc ngủ tại Bệnh viện Nhi Hoàng gia của Melbourne cho biết: “Kinh nghiệm ở Ý và Tây Ban Nha, và mô hình được các nhà toán học trên thế giới sử dụng, cho thấy số người mắc Covid-19 nặng sẽ vượt quá khả năng chăm sóc sử dụng máy hỗ trợ hô hấp. Không có máy thở, nhiều bệnh nhân sẽ chết”.

Máy thở và cách hoạt động

Máy thở cơ học là máy được sử dụng để hỗ trợ bệnh nhân mắc các bệnh hô hấp nặng, ảnh hưởng đến phổi, bao gồm cả viêm phổi. Trước khi một bệnh nhân được đặt máy thở, nhân viên y tế – thường là bác sĩ gây mê – sẽ thực hiện một quy trình gọi là đặt nội khí quản.

Sau khi bệnh nhân được gây mê và dùng thuốc giãn cơ, một ống được đặt qua miệng và vào khí quản. Với bệnh nhân Covid-19, nhân viên y tế cần phải hết sức thận trọng khi áp dụng quy trình này để đảm bảo không bị nhiễm virut. Sau đó, ống thở được gắn vào máy thở và nhân viên y tế có thể điều chỉnh tốc độ đẩy không khí và oxy vào phổi, và điều chỉnh hỗn hợp oxy.

Thời điểm bệnh nhân cần đặt máy thở?

Trước khi quyết định đặt máy thở cho bệnh nhân, các bác sĩ cần nhận thấy các dấu hiệu suy hô hấp. Nhịp thở tăng lên, bệnh nhân mệt mỏi, CO2 trong máu tăng lên và họ có thể hôn mê. Nhịp thở bình thường là khoảng 15 nhịp một phút, nếu nhịp thở đạt khoảng 28 lần một phút, thì đây là tín hiệu cho thấy bệnh nhân cần đặt máy thở.

Giáo sư John Wilson, Hiệu trưởng trường Đại học Y Hoàng gia Australasian đồng thời là bác sĩ điều trị các bệnh về hô hấp cho biế, trước khi đặt máy thở, các bác sỹ có thể tìm cách tăng nồng độ oxy cho bệnh nhân. Những phương pháp không xâm lấn này có thể bao gồm mặt nạ và bình oxy. Với bệnh Covid-19, các nhân viên y tế đã tránh các phương pháp không xâm lấn vì bệnh nhân vẫn ho và có giọt bắn, làm tăng nguy cơ lây nhiễm virus cho nhân viên y tế.

Bệnh nhân có thể cần sử dụng máy thở trong bao lâu?

Khi bệnh nhân có biểu hiện cần máy thở thì cần đáp ứng nhanh chóng. Bác sỹ Ranganathan cho biết: “Tình trạng của bệnh nhân có thể được duy trì trong thời gian ngắn bằng cách sử dụng các hình thức thông khí thủ công như sử dụng túi và hệ thống mặt nạ oxy, cần đặt máy thở trong vòng 30 phút nếu bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch”. Ở những bệnh nhân Covid-19 nặng, tình trạng đe dọa tới tính mạng gọi là hội chứng suy hô hấp cấp tính (Ards) đòi hỏi máy thở phải cung cấp lượng oxy và không khí ít hơn, nhưng với tốc độ cao hơn. Điều này có nghĩa một bệnh nhân có thể cần phải nằm thở máy trong vài tuần.

Để tránh các biến chứng từ ống thở đi xuống cổ họng, bác sỹ Story cho biết phải thực hiện mở khí quản để ống có thể đi thẳng vào khí quản qua cổ, bệnh nhân có thể tỉnh táo hơn khi được phẫu thuật mở khí quản và lỗ hổng sẽ tự lành. Nếu bệnh nhân bị suy hô hấp cấp tính, họ sẽ phải ở trong phòng chăm sóc đặc biệt trong nhiều tuần và sẽ chết nếu không có máy thở.

Thiếu máy thở và những nỗ lực đang được thực hiện để tránh tình trạng này. Một trong những cách rõ ràng nhất để tránh tình trạng thiếu máy thở là giảm số người mắc bệnh ngay từ đầu. Điều đó có nghĩa là làm theo tất cả các lời khuyên về y tế, bao gồm các quy tắc cách ly xã hội và vệ sinh.

CAI MÁY THỞ VÀ RÚT ỐNG NỘI KHÍ QUẢN

Thanh Hằng Lê No Comments

Thở máy hay còn gọi là thông khí nhân tạo hay hô hấp nhân tạo bằng máy được sử dụng khi thông khí tự nhiên không đảm ảo được chức năng, nhằm cung cấp nhân tạo sự thông khí và oxy hóa. Thở máy được chỉ định trong các trường hợp:

  • Ngưng thở
  • Suy hô hấp có giảm oxy máu, có tăng CO2 máu, hoặc lệ thuộc vào máy thở
  • Chủ động kiểm soát thông khí ( vô cảm, …)
  • Cần ổn định thành ngực hay phòng, chống xẹp phổi

Thở máy là phương pháp đảm bảo chức năng hô hấp tạm thời. Bệnh nhân cần được xử lý nguyên nhân, ổn định lâm sàng sớm để cai máy thở. Tiêu chuẩn cai máy thở:

CAI MÁY THỞ VÀ RÚT ỐNG NỘI KHÍ QUẢN

1. Cải thiện tình trạng suy hô hấp
2. PaO2 60 mmHg với FiO2 0.4 và PEEP 5cmH20
3. Có khả năng tự thở
4. Huyết động ổn định
5. Điện giải bình thường
6. Dinh dưỡng thỏa đáng
7. Không suy các hệ cơ quan chính của cơ thể

CÁC PHƯƠNG PHÁP CAI MÁY THỞ

• Thử nghiệm thở tự nhiên
• Thông khí hỗ trợ áp lực – PSV
• SIMV

Việc ngưng hỗ trợ thở máy được thực hiện tốt nhất không bằng cách giảm dần mức độ hỗ trợ của máy (cai) mà bằng cách xác định một cách hệ thống và loại bỏ các tác nhân gây suy hô hấp. Một khi đạt được mục tiêu này, máy thở không còn cần thiết nữa. Tuy nhiên, nếu các tác nhân vẫn còn hoặc sự phục hồi không hoàn toàn, giảm sự hỗ trợ cần thiết của máy thở sẽ làm chậm sự phục hồi. Rõ ràng rằng các thử nghiệm thở tự nhiên hàng ngày bằng T-tube giúp giảm thời gian thở máy so với việc giảm dần tần số thở bằng cách sử dụng thông khí điều khiển ngắt quãng đồng thì, hay trong một số nghiên cứu so sánh với các thử nghiệm hỗ trợ áp lực.

Khi bệnh nhân không còn bị sốc, có một độ bão hòa oxy động mạch đầy đủ với phần trăm O2 thở vào (FiO2) ≤0.5 có áp lực dương cuổi kỳ thở ra (PEEP) ≤7,5 cm H2O, không có bằng chứng cho thấy hoạt động hô hấp không bền vững (ví dụ, thông khí phút >20 L / phút), một thử nghiệm thở tự nhiên hàng ngày được thực hiện bằng cách sử dụng thở T-tube hoặc áp lực dương liên tục (CPAP) là 5 cm H2O. Bệnh nhân có khả năng duy trì thở tự nhiên thường thở chậm và sâu, thay vì nhanh và nông. Quan sát này đã được chính thức hóa như là chỉ số thở nhanh nông (RSB), được xác định bằng cách chia tần số thở không được hỗ trợ của bệnh nhân (trong nhịp thở/phút) cho thể tích thông khí (theo L). Một giá trị <105 cho thấy rằng thở tự nhiên có thể sẽ thành công, mặc dù một phép đo đơn lẻ không phải là tiên đoán thành công một cách hoàn hảo . Gần đây, quyết định liệu có nên rút ống cho bệnh nhân sau khi thử nghiệm thở tự nhiên đã thay bằng việc sử dụng chỉ số thở nhanh nông và dựa nhiều hơn vào đánh giá lâm sàng trong quá trình thử nghiệm, bổ sung bằng cách làm khí máu. Bệnh nhân có khả năng vận động tốt trong một cuộc thử nghiệm thở ngắn từ 1 đến 2 giờ và những người có khí máu thuận lợi là những ứng cử viên tốt cho việc rút nội khí quản. Quyết định rút ống là một quyết định riêng biệt không liên quan đến quyết định ngừng hỗ trợ thở máy và cần phải đánh giá phản xạ bảo vệ đường thở và ý thức bệnh nhân, cũng như tình trạng thông thoáng của đường thở.

Thuốc an thần và opioid có thể kéo dài thời gian thở máy. Các thuốc này có thể tích tụ và gây ngủ, kéo dài thời gian thử nghiệm tự thở kể cả khi nguyên nhân suy hô hấp đã được điều chỉnh. Mức độ an thần nên được đánh giá liên tục và nên cai thuốc càng sớm càng tốt. Các phác đồ chính thức có thể được sử dụng, hoặc ngắt quãng hàng ngày có thể được thực hiện. Truyền dịch được dừng lại cho đến khi nào bệnh nhân tỉnh dậy hoặc làm theo các lệnh hoặc cần phải dùng lại thuóc an thần nếu bệnh nhân kích động, thở không đồng bộ với máy thở, hoặc các rối loạn sinh lý khác. Nếu vẫn cần sử dụng thuốc an thần, thuốc sẽ được cho lại với liều bằng nửa liều trước và tăng liều khi cần thiết. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng thời gian trung bình của thông khí cơ học được giảm xuống trong các trường hợp sử dụng “an thần ngắt quãng” hàng ngày hoặc các phương thức an thần khác, cũng như các thử nghiệm thở tự nhiên hàng ngày.

TỔNG QUAN VỀ THÔNG KHÍ NHÂN TẠO, THỞ MÁY

Thanh Hằng Lê No Comments

1. Thở máy là gì?

Thở máy hỗ trợ bệnh nhân sau phẫu thuật

Thông khí nhân tạo (thở máy): Là biện pháp dùng để hỗ trợ bệnh nhân thở khi bệnh nhân hồi phục sau phẫu thuật hoặc khi mắc bệnh nặng hoặc khi bệnh nhân không thể thở được vì bất kỳ nguyên nhân nào. Bệnh nhân được máy hỗ trợ thở thông qua ống nội khí quản (thở máy xâm nhập) hoặc qua mặt nạ (thở máy không xâm nhập) cho đến khi bệnh nhân có thể tự thở.

2. Tại sao phải sử dụng thông khí nhân tạo?

STTChỉ định thông khí nhân tạo
1Ngừng thở
2Suy hô hấp cấp do giảm O2 máu
3Suy hô hấp cấp do tăng CO2 máu
4Suy hô hấp mạn phụ thuộc máy thở
5Chủ động kiểm soát thông khí (gây mê phẫu thuật, giảm áp lực nội sọ…)
6Giảm nhu cầu tiêu thụ O2, giảm công thở
7Ổn định thành ngực (mảng sườn di động), dự phòng và điều trị xẹp phổi

Lưu ý: thông khí nhân tạo không chữa lành bệnh, nó chỉ giúp bệnh nhân ổn đinh trong thời gian chờ thuốc và các biện pháp điều trị phát huy tác dụng.

3. Các phương pháp thông khí nhân tạo

3.1 Thông khí nhân tạo xâm nhập

Có nhiều phương pháp thở máy khác nhau

  • Thông khí nhân tạo xâm nhập: Là thông khí nhân tạo qua ống nội khí quản hoặc mở khí quản
  • Chỉ định đối với những trường hợp:
    • Suy hô hấp cấp: hầu hết các suy hô hấp cấp, trừ các trường hợp cần thông khí theo phương thức giảm thông khí phế nang điều khiển.
    • Tổn thương phổi cấp do chấn thương đụng dập phổi, do đuối nước, do hít…
    • Giảm thông khí phế nang do bệnh lý thần kinh cơ, bệnh lý thần kinh trung ương, ngộ độc.
    • Đợt cấp của suy hô hấp mạn tính.
    • Sau cấp cứu ngừng tuần hoàn.

3.2 Thông khí nhân tạo không xâm nhập

  • Thông khí nhân tạo không xâm nhập là phương pháp thông khí cho bệnh nhân mà không cần phải đặt ống nội khí quản hoặc mở khí quản. Thông khí có thể qua mặt nạ mũi hoặc mặt nạ mũi – miệng
  • Chỉ định đối với những trường hợp:
    • Sau phẫu thuật tim phổi
    • Sau gây mê phẫu thuật
    • Mức độ nhẹ của đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, suy hô hấp cấp tiến triển, tổn thương phổi cấp, phù phổi cấp
    • Suy tim
    • Hội chứng ngưng thở khi ngủ
    • Sau rút nội khí quản.

4. Thông khí nhân tạo có những nguy cơ gì?

  • Trên cơ quan hô hấp:
  • Chấn thương phổi do áp lực
    • Rối loạn trao đổi khí
    • Viêm phổi liên quan thở máy
    • Xẹp phổi
    • Các biến chứng do ống nội khí quản, mở khí quản
  • Trên các cơ quan khác:
    • Ảnh hưởng trên tim mạch: giảm cung lượng tim, hạ huyết áp (nhất là khi dùng áp lực cuối thì thở ra (PEEP) và/hoặc thể tích lưu thông cao).
    • Rối loạn thận – tiết niệu: giảm tưới máu thận, tăng tiết ADH (hormone chống bài niệu tiết ra từ tuyến yên), gây ứ nước.
    • Rối loạn tiêu hoá: chướng bụng, liệt ruột, táo bón do nằm lâu; loét đường tiêu hoá do stress, xuất huyết tiêu hoá do stress.
    • Tăng áp lực nội sọ khi dùng PEEP.
    • Rối loạn tâm thần.

5. Các kỹ thuật phối hợp với thông khí nhân tạo

  • Hút đờm dãi: Sử dụng ống hút nối với hệ thống áp lực âm, hút đờm dãi xuất tiết qua ống nội khí quản. Biện pháp này là rất quan trọng trong việc duy trì sự thông thoáng của đường thở. Nguy cơ của thủ thuật này là nhiễm khuẩn.
  • Khí dung thuốc: Bệnh nhân có thể cần sử dụng thuốc qua đường khí dung. Thuốc được phun vào đường thờ và hiệu quả tác dụng cao hơn so với dùng đường toàn thân.
  • Soi phế quản: Bác sĩ sẽ dùng một ống soi nhỏ có camera đưa vào đường thở bệnh nhân. Đây là biện pháp rất hiệu quả để kiểm tra đường thở, lấy mẫu xét nghiệm để tìm nguyên nhân gây bệnh

6. Ai là người thực hiện thông khí nhân tạo?

  • Bác sĩ: Bao gồm các bác sỹ hồi sức tích cực, cấp cứu hoặc gây mê. Các bác sỹ đều được đào tạo huấn luyện thành thạo chuyên sâu về kỹ thuật này.
  • Điều dưỡng/ Kỹ thuật viên gây mê/ Kỹ thuật viên trị liệu hô hấp: các điều dưỡng và kỹ thuật viên được đào tạo, huấn luyện đặc biệt về các phương pháp chăm sóc bệnh nhân thở máy, xử lý các sự cố kỹ thuật nếu có trong quá trình vận hành máy thở, giúp bệnh nhân phục hồi nhanh hơn.

ĐIỀU TRỊ TRẦM CẢM BẰNG PHƯƠNG PHÁP KÍCH THÍCH TỪ TRƯỜNG XUYÊN SỌ

Thanh Hằng Lê No Comments

Trong xã hội công nghiệp hiện đại, trầm cảm là căn bệnh khá phổ biến, đặc biệt trầm cảm “kháng thuốc” là vấn đề khó, phức tạp. Nhiều thử nghiệm cho thấy, “Kích thích từ xuyên sọ” có tác dụng điều trị khá tốt với những trường hợp trầm cảm kháng thuốc này.

ĐIỀU TRỊ TRẦM CẢM BẰNG PHƯƠNG PHÁP KÍCH THÍCH TỪ TRƯỜNG XUYÊN SỌ
ĐIỀU TRỊ TRẦM CẢM BẰNG PHƯƠNG PHÁP KÍCH THÍCH TỪ TRƯỜNG XUYÊN SỌ

Trầm cảm là bệnh gìTrầm cảm là một bệnh thuộc tâm thần học đặc trưng bởi sự rối loạn khí sắc. Bệnh do hoạt động của não bộ bị rối loạn gây nên do một yếu tố tâm lý nào nào tạo thành những biến đổi bất thường trong suy nghĩ hành vi tác phong.

Phụ nữ thường gặp bệnh trầm cảm nhiều hơn nam giới (2 nữ/ 1 nam) xảy ra ở nhiều lứa tuổi đặc biệt trong độ tuổi trưởng thành. Tỉ lệ mắc bệnh trầm cảm ngày một gia tăng, là một bệnh phổ biến ở trên toàn cầu. Theo tổ chức Y tế Thế giới ước tính mỗi năm có khoảng 850.000 người chết do hành vi tự sát do bệnh trầm cảm. Tuy nhiên trong số đó những người được chẩn đoán và điều trị kịp thời còn rất thấp, chỉ chiếm khoảng 25%.

Trầm cảm là nguyên nhân của hơn 50% trường hợp tự sát, trầm cảm do nguyên nhân khác nhau nhưng gặp tỉ lệ cao ở các đối tượng thất nghiệp, phá sản, ly hôn…

Các triệu chứng của trầm cảm

Các triệu chứng của bệnh trầm cảm có thể bao gồm:

  • Tâm trạng chán nản;
  • Giảm hứng thú hoặc niềm vui trong các hoạt động từng được yêu thích;
  • Mất ham muốn tình dục;
  • Thay đổi cảm giác thèm ăn;
  • Giảm hoặc tăng cân không chủ ý;
  • Thay đổi thói quen giấc ngủ;
  • Thường xuyên kích động, lo lắng và thay đổi cảm xúc;
  • Giảm tốc độ giao tiếp và vận động;
  • Mệt mỏi, thiếu năng lượng;
  • Cảm giác vô dụng hay tội lỗi;
  • Khó suy nghĩ, tập trung hoặc đưa ra quyết định;
  • Ý nghĩ về cái chết hoặc tự tử lặp đi lặp lại hoặc cố gắng thực hiện hành vi tự tử.

Trầm cảm là bệnh không còn xa lạ có thể chữa trị được khỏi hoàn toàn vì vậy cần được khám và điều trị kịp thời.

Trong xã hội công nghiệp hiện đại, trầm cảm là căn bệnh khá phổ biến, đặc biệt trầm cảm “kháng thuốc” là vấn đề khó, phức tạp. Nhiều thử nghiệm cho thấy, “Kích thích từ xuyên sọ” có tác dụng điều trị khá tốt với những trường hợp trầm cảm kháng thuốc này

* Kích thích từ xuyên sọ là gì ?
Kích thích từ xuyên sọ (TMS) là một công nghệ sử dụng từ trường để kích thích các tế bào thần kinh trong não để cải thiện các triệu chứng trầm cảm. Trong suốt quá trình, một cuộn điện từ lớn được đặt trên da đầu của bệnh nhân gần trán. Nam châm điện tạo ra dòng điện kích thích các tế bào thần kinh ở vỏ não trước trán được cho là có liên quan đến việc kiểm soát tâm trạng và trầm cảm. Thủ tục này không gây đau đớn, không có tác dụng phụ được báo cáo và thường được thực hiện như một thủ tục ngoại trú tại văn phòng hoặc phòng khám của bác sĩ tâm thần. Các buổi hàng ngày thường được yêu cầu trong bốn đến sáu tuần để có được lợi ích trị liệu đầy đủ.

* Kích thích từ xuyên sọ hoạt động thế nào?

Các xung từ trường thay đổi nhanh sẽ làm thay đổi cách phóng điện của các tế bào thần kinh trong não. Sự thay đổi cách phóng điện thần kinh này làm thay đổi mô hình phóng điện của các tế bào thần kinh bệnh lý trong các bệnh trầm cảm, rối loạn chức năng não…

Trong quá trình điều trị, bệnh nhân vẫn tỉnh táo, và có thể trở lại làm việc như bình thường ngay ngay sau đó, không cần dùng thuốc hoặc gây mê. Bệnh nhân sẽ ngồi thoải mái trên ghế tựa suốt cả phiên. Một điều trị khoảng từ năm phút đến 60 phút. Một khóa điều trị điển hình là khoảng 4-6 tuần.

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ MÁY SỐC ĐIỆN TIM

Thanh Hằng Lê No Comments

Máy shock điện được phát minh vào năm 1899 do hai nhà sinh lý học người Y là Prevost và Batelli. Hai ông nhận thấy trong thực nghiêm trên chó có thể chuyển tình trạng rung thất về nhịp xoang nhờ shock điện. Trường hợp đầu tiên hồi sức cấp cứu thành công nhờ shock điện là một ca bệnh nhi 14 tuổi đang mổ ngực bị rung thất, được báo cáo bởi bác sĩ phẫu thuật người Mỹ là Claude S. Beck và cộng sự vào năm 1947.

SỐC TIM LÀ GÌ:

Sốc tim là tình trạng giảm cung lượng tim không đáp ứng được nhu cầu oxy của các tổ chức trong cơ thể. Chẩn đoán sốc tim đặt ra sau khi đã loại trừ các sốc khác: sốc giảm thể tích, sốc phản vệ, sốc nhiễm khuẩn.

Các rối loạn huyết động đặc trưng trong sốc tim:

  • Cung lượng tim giảm với chỉ số tim < 2,2 lít/phút/m2.
  • Áp lực tĩnh mạch trung tâm cao (> 10 mmHg) và áp lực mao mạch phổi bít cao (> 15mmHg).
  •  Chênh lệch oxy giữa máu mao mạch và máu tĩnh mạch cao (DA-VO2 lớn hơn 0,55ml O2/lít) do rối loạn trong sốc tim là do tổn thương chức năng tim không phải do rối loạn ở ngoại vi.

Trong điều trị sốc tim: một mặt khẩn trương điều trị triệu chứng và hồi sức toàn diện, mặt khác cần tìm và giải quyết nguyên nhân sớm nếu có thể được.
Suy tim trong bệnh cảnh sốc tim là vấn đề lâm sàng lớn bởi vì tỉ lệ tử vong cao lên tới 30 – 90%. Tiên lượng phụ thuộc nhiều vào nguyên nhân gây ra sốc tim và khả năng can thiệp của thầy thuốc.
Đây là tình trạng cần được cấp cứu tại chỗ và vận chuyển bằng xe ôtô có trang thiết bị cấp cứu ban đầu đến khoa hồi sức.

PHÂN LOẠI MÁY SỐC ĐIỆN TIM:

Có 3 loại máy sốc điện:

  • Máy sốc điện cầm tay (Manual Defibrillators, or Defibrillator Paddles)
  • Máy sốc điện bên ngoài tự động (Automatic ExternalDefibrillators (AEDs)
  • Máy sốc điện chuyển nhịp cấy dưới da tự động (Automatic Implantable Cardioverter Defibrillator)

CẤU TẠO MÁY SỐC ĐIỆN:

Máy sốc điện bao gồm:

1. Bộ phận tạo xung điện là một tụ điện tích điện từ nguồn điện xoay chiều có khả năng phóng ra được dòng điện với các tính chất mong muốn theo yêu cầu sốc điện.

2. Bản sốc điện có kích cỡ thay đổi tùy sốc trong hay ngoài lồng ngực, người lớn hay trẻ em. Đối với người lớn sốc điện qua thành ngực, đường kính cần ≥ 80cm.

3. Dây điện cực với 3 – 5 điện cực.

4. Màn huỳnh quang (Monitor) hiển thị sóng điện tim thu từ các điện cực hoặc bản sốc điện và các thông số kỹ thuật.

5. Nút hoặc phím để chọn phương thức sốc điện đồng bộ (SYN = synchronization)

6. Nút hoặc phím lựa chọn mức năng lượng (tính bằng joules hoặc watt). Các mức 5-50j chủ yếu dùng cho sốc điện trực tiếp trên tim khi phẫu thuật mở lồng ngực; các mức cao hơn thường dùng cho sốc điện ngoài lồng ngực.

7. Nút/ phím nạp điện (CHARGE)

8. Nút phóng điện

CÁC LOẠI MÁY SỐC TIM DO VIỆT PHAN CUNG CẤP:

Máy sốc tim Medical Hàn Quốc CU-SP1
Máy phá rung tim tạo nhịp Cardiostart – USDefib Mỹ
Máy sốc tim-D500-Mediana Hàn Quốc

VAI TRÒ CỦA SỐC ĐIỆN TRONG ĐIỀU TRỊ, CẤP CỨU CÁC BỆNH TIM MẠCH

Thanh Hằng Lê No Comments

Sốc điện là phương pháp dùng năng lượng điện để khôi phục lại nhịp tim, giúp dập tắt và làm ổn định nhanh chóng phần lớn các rối loạn nhịp tim, đây là phương pháp được sử dụng trong nhiều trường hợp điều trị và cấp cứu tim mạch.

VAI TRÒ CỦA SỐC ĐIỆN TRONG ĐIỀU TRỊ, CẤP CỨU CÁC BỆNH TIM MẠCH
VAI TRÒ CỦA SỐC ĐIỆN TRONG ĐIỀU TRỊ, CẤP CỨU CÁC BỆNH TIM MẠCH

1. Vai trò của sốc điện trong điều trị, cấp cứu các bệnh tim mạch

Sốc điện gồm có hai phương pháp là sốc điện chuyển nhịp và sốc điện phá rung.

Sốc điện giúp khử cực hầu hết các tế bào cơ tim đang bị kích thích, dập tắt các rối loạn nhịp nhanh đang chiếm quyền chủ nhịp của nút xoang, cắt đứt các vòng vào lại nếu nhịp nhanh do cơ chế vào lại, tạo điều kiện cho nút xoang tiếp tục hoạt động tạo nhịp bình thường. Đây là phương pháp đơn giản, tác dụng nhanh được sử dụng trong nhiều trường hợp điều trị, cấp cứu một số bệnh tim mạch.

Hiệu quả của sốc điện phụ thuộc vào điện thế sử dụng khi sốc điện và sức kháng trở, các yếu tố ảnh hưởng đến sức kháng trở là hình thái, tình trạng phối, lồng ngực của người bệnh.

Có hai phương thức sốc điện là:

  • Sốc điện phá rung (còn gọi là sốc điện không đồng bộ): Phóng dòng điện ở bất kỳ chu chuyển tim nào của bệnh nhân, ngay thời điểm bấm nút máy sốc điện.
  • Sốc điện chuyển nhịp (còn gọi là sốc điện đồng bộ): Phóng dòng điện “đồng bộ hóa” với phức bộ QRS, thường là vào sóng R hoặc sóng S nếu không có sóng R để tránh phóng điện vào thời kỳ nguy hiểm (sóng T). Nói cách khác, trong sốc điện chuyển nhịp, máy sẽ nhận biết để phóng xung điện đồng bộ với sóng R(hoặc S) chứ không phải vào thời điểm bấm nút.

2. Sốc điện được chỉ định trong các bệnh tim mạch nào?

2.1 Sốc điện chuyển nhịp tim

Sốc điện chuyển nhịp tim có thể được chỉ định trong các trường hợp rối loạn nhịp trên thất có huyết động không ổn định như:

  • Rung nhĩ
  • Cuồng nhĩ
  • Nhịp nhanh trên thất do cơ chế vào lại
  • Tim nhanh thất
  • Nhịp nhanh thất đơn dạng, đa dạng, nhịp nhanh có phức hợp QRS rộng không rõ loại

Các nghiên cứu cho thấy sốc điện chuyển nhịp tim an toàn với phụ nữ có thai, không ảnh hưởng đến nhịp tim và các vấn đề khác của thai nhi. Đối với bệnh nhân đã được cấy máy tạo nhịp hoặc máy phá rung tự động, việc sốc điện có thể tiến hành an toàn, lưu ý là bản cực sốc điện cần để cách máy tạo nhịp ít nhất 12cm.

2.2 Sốc điện phá rung

Sốc điện phá rung được chỉ định trong các trường hợp:

  • Rung thất
  • Tim nhanh thất vô mạch
  • Ngưng tim sau rung thất

3. Phương pháp tiến hành sốc điện

3.1 Chuẩn bị

Trong các trường hợp cấp cứu tim mạch:

Trong các trường hợp cấp cứu tim mạch, bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim nhanh gây ngừng tuần hoàn, giảm huyết động nghiêm trọng, mất ý thức, sốc điện nên được tiến hành càng sớm càng tốt, có thể bỏ qua các bước chuẩn bị như gây mê, gây mê, dùng thuốc chống đông,…

Trong trường hợp điều trị bệnh tim mạch không khẩn cấp

Thăm khám lâm sàng cẩn thận, xem xét quá trình sử dụng thuốc, giải thích cho bệnh nhân về phương pháp sử dụng sốc điện. Dặn bệnh nhân nên nhịn đói từ đêm hôm trước hoặc bỏ một bữa ăn trước khi tiến hành sốc điện. Theo dõi ECG liên tục nhất là trước và sau khi thực hiện sốc điện. Bệnh nhân phải được sốc điện trong môi trường có đầy đủ phương tiện để thực hiện cấp cứu ngừng tuần hoàn hô hấp CPR khi cần thiết.Nếu bệnh nhân có sử dụng Digoxin, nếu có thể nên định lượng nồng độ Digoxin và đo điện giải đồ. Nếu bệnh nhân dùng thuốc kháng đông, nên kiểm tra thời gian Prothrombin.

3.2 Mức năng lượng điện

Hiện máy sốc điện có hai loại thường được sử dụng là máy sốc điện một pha và máy sốc điện hai pha. So với máy sốc điện một pha thì máy sốc điện hai pha có nhiều ưu điểm hơn như: Sử dụng mức năng lượng thấp hơn (năng lượng sốc điện của máy hai pha chỉ bằng 75% máy một pha) do đó ít gây tổn thương cơ tim và da cơ, hiệu quả sau lần sốc đầu tiên cao hơn.

NHỮNG LƯU Ý KHI SỬ DỤNG MÁY MONITOR THEO DÕI BỆNH NHÂN

Thanh Hằng Lê No Comments

Ngày nay, monitor theo dõi bệnh nhân là một thiết bị rất quan trọng trong các khoa cấp cứu, chăm sóc đặc biệt, phòng mổ…..vv

Monitor là thiết bị theo dõi các thông số sinh học chứa những thông tin về bệnh lý bao gồm điện tim ECG, nhịp tim HR, nhịp thở RESP, nhịp mạch PR, nồng độ oxi bão hòa, huyết áp không thiệp NIBP, nhiệt độ cơ thể TEMP.

Việt Phan xin đưa ra một vài điểm lưu ý trong quá trình sử dụng Monitor theo dõi bệnh nhân để đạt được hiệu quả cao khi sử dụng như sau:  

NHỮNG LƯU Ý KHI SỬ DỤNG MÁY MONITOR THEO DÕI BỆNH NHÂN
NHỮNG LƯU Ý KHI SỬ DỤNG MÁY MONITOR THEO DÕI BỆNH NHÂN

1. Khác biệt màu trên các điện cực đo tim

Có 2 loại mã màu khác nhau trên các điện cực đo điện tim. Một loại trong đó được quy định từ International Electrotechnical Commossion (IEC) và một loại từ American Heart Association (AHA). Những bác sĩ có kinh nghiệm chỉ cần nhìn vào điện cực R (RA) để biết được dây đo điện tim theo mã màu nào.

2. Lý do thông số đo trên màn hình thay đổi chậm

Màn hình hiển thị các thông số đo trên các monitor thường thay đổi trị số rất chậm vì thông thường monitor được sử dụng để quan sát bệnh nhân trong thời gian dài, một vài thông số đo lại phải được cập nhập vào bộ nhớ nên trong monitor có một hệ thống cập nhập số liệu đo với một khoảng thời gian định trước. Thường giá trị mặc định là 5s, giá trị này cũng có thể thay đổi bởi người sử dụng

3. Các ghi chú về việc đo SpO2

Khi đo thông số SpO2, thường gặp các rắc rối là giá trị đo không ổn định được. Sau đây là các bước kiểm tra cơ bản để khắc phục.

  • Kiểm tra kết nối sensor với monitor

Sensor phải được cắm chắc vào thiết bị, thông thường đầu sensor có khóa để giữ dây nhưng có một vài loại monitor, sensor chỉ có giắc cắm vào máy và không có khóa giữ, có thể bị rời khỏi máy khi bệnh nhân di chuyển.

  • Kiểm tra vị trí đặt sensor: Kiểm tra bề mặt da ngón tay chỗ đặt sensor phải sạch và khô, móng tay bệnh nhân có bị bẩn hay không, bệnh nhân có sử dụng móng tay giả hay không…
  • Kiểm tra dòng máu chảy đến ngón tay
  • Kiểm tra bóng hơi đo huyết áp có cùng trên cánh tay đang dặt sensor oximeter hay không? Theo nguyên lý đo huyết áp bóng sẽ được bơm và xả hơi theo chu kỳ đo, và điều này làm chặn sự lưu thông máu đến các ngón tay. Nếu sensor oximeter lại đặt trên ngón tay này thì sai số sẽ xảy ra vì sensor không bắt được nhịp mạch máu và monitor sẽ báo động liên tục.

4. Lý do không đo được huyết áp dù đã kiểm tra dây nối

Khi không đo được huyết áp, thông thường sẽ phải kiểm tra xem bóng hơi có gắn chắc với đường ống hơi vào monitor không. Nếu đã gắn chắc mà vẫn không đo được, các kỹ thuật viên cần lưu ý các điểm sau:

  • Xem bóng hơi có được bơm lên hay không, lúc này quan sát nhanh giá trị áp lực trên màn hình, chúng ta thấy rằng giá trị này sẽ tăng dần lên trị số tới hạn đặt trước ( thường là 160mmHg). Nếu giá trị này không tăng dần hoặc  dừng lại thì có thể bóng hơi bị thủng.
  •  Trường hợp bóng hơi được bơm lên giá trị tới hạn và được xả hơi ra chúng ta quan sát tốc độ xả hơi, nếu giá trị áp lực tụt nhanh thì cũng không đo được trị số huyết áp của bệnh nhân. Cần xem chỉnh lại van xả hơi của mạch đo huyết áp. 

CÁC DẠNG SÓNG THƯỜNG GẶP TRÊN MÁY MONITOR THEO DÕI BỆNH NHÂN

Thanh Hằng Lê No Comments

Dạng sóng Pleth
Dạng sóng Pleth được tạo ra từ tín hiệu thu được của cảm biến đo SpO2 nhưng dạng sóng Pleth không phải là sự dao động của giá trị SpO2. Giá trị SpO2 thường được thể hiện bằng dạng số trên các monitor theo dõi bệnh nhân. 

Pleth được viết tắt từ Plethysmography có nghĩa là biểu đồ đo thể tích. Nó thể hiện sự thay đổi thể tích trong một cơ quan hay trong toàn bộ cơ thể (thường là thể tích máu hoặc khí). Các cảm biến SpO2 dựa trên hiện tượng hấp thụ ánh sáng để tính toán lượng máu lưu thông trong phần mô giữa đầu phát và đầu thu ánh sáng, do đó đồ thị tạo ra cũng được gọi là Plethysmography hay cụ thể hơn là Photopethysmography (PPG).

Các nhà sản xuất khác nhau dùng các phương pháp khác nhau để hiệu chỉnh tín hiệu từ sensor nên dạng sóng Pleth trên các monitor có đôi chút khác biệt. Tuy nhiên, dạng sóng Pleth nói chung sẽ có dạng như sau:

Mỗi chu kỳ trên dạng sóng này ứng với một nhịp đập của tim. Đường đi lên ứng với quá trình tâm thu, máu từ động mạch chủ được bơm đến ngón tay. Đường đi xuống ứng với quá trình tâm trương. Trên đường đi xuống có một gai nhỏ, gai này được tạo ra do máu từ động mạch chủ khi được bơm đến các phần dưới cơ thể tạo sẽ áp lực lên trên và truyền đến ngón tay. Độ cao của sóng cho biết dung lượng máu lưu thông trong động mạch, chiều dài bước sóng cho biết nhịp tim. Các dạng sóng Pleth không bình thường sẽ cho bác sỹ một số thông tin về tình trạng của bệnh nhân.

Một số monitor không vẽ sóng Pleth mà biểu diễn sự thay đổi thể tích máu lưu thông trong động mạch diễn bằng sự dao động của một chuỗi vạch. Ngày nay, nhờ sự phát triển của công nghệ, thiết bị đo SpO2 ngày càng đơn giản và rẻ, do đó giá trị SpO2 cùng sóng Pleth đã và đang trở thành một thông tin quan trọng phục vụ cho công tác chẩn đoán của bác sĩ.

Dạng sóng ECG
Dạng sóng ECG là một trong những dạng sóng quan trọng nhất của monitor theo dõi bệnh nhân. Các monitor thường không theo dõi đầy đủ 12 đạo trình như máy điện tim chuyên dụng. Monitor thông thường sử dụng 3 điện cực theo dõi được 3 đạo trình và 5 điện cực theo dõi được 7 đạo trình. Dạng sóng điện tim bình thường sẽ có hình dạng như sau:

– Sóng P: Sóng P thể hiện quá trình khử cực ở tâm nhĩ trái và phải, sóng P có dạng một đường cong điện thế dương phía trước phức QRS. Sóng P kéo dài khoảng 0,06 đến 0,1 giây.
– Đoạn PR: Đoạn PR là đoạn từ điểm bắt đầu sóng P đến điểm bắt đầu phức QRS. Nó bao gồm thời gian khử cực tâm nhĩ và dẫn đến nút AV thông qua hệ thống His-Purkinje. Đoạn PR kéo dài khoảng 0,12 đến 0,20 giây
– Phức QRS: thể hiện quá trình khử cực tâm thất. Đoạn này kéo dài khoãng 0,04 đến 0,1 giây.
– Đoạn ST: Đoạn ST kể từ lúc kết thúc quá trình khử cực tâm thất đến trước khi quá trình tái phân cực bắt đầu. Điểm bắt đầu đoạn này được gọi là “điểm J”, điểm kết thúc gọi là “điểm ST”
– Sóng T: Sóng T thể hiện quá trình tái phân cực tâm thất. Vì tốc độ tái phân cực nhỏ chậm hơn khử cực nên sóng T rộng và có độ dốc thấp.
– Sóng U: Có thể quan sát sóng U ở một số đạo trình, đặc biệt là các đạo trình quanh ngực V2-V4. Nguyên nhân gây sóng này còn chưa rõ ràng, có giả thiết cho rằng nó thể hiện sự trễ của quá trình tái phân cực của hệ thống His-Purkinje.
Sóng điện thể hiện được rất nhiều thông tin bệnh lý về tim mạch và đã được sử dụng trong chẩn đoán từ đầu thế kỷ 20.

Dạng sóng EtCO2 (Capnogram)
EtCO2 (End-Tidal CO2) là phương pháp đo CO2 cuối kỳ thở ra. Hình trên mô tả 1 đoạn dạng sóng EtCO2 bình thường. Đoạn AB là đoạn cuối kỳ thở vào  và bắt đầu kỳ thở ra của không gian chết, điểm B bắt đầu kỳ thở ra của túi phổi. Đoạn AB còn được gọi là đường nền của quá trình hô hấp, nó cho biết nồng độ CO2 trong các không gian chết của đường thở. Đoạn BC là đoạn đi lên của kỳ thở ra khi khí trong các không gian chết trộn với khí từ túi phổi thở ra. Đoạn CD là tiếp tục của kỳ thở ra, hay đoạn bình nguyên (plateau, tất cả khí đều từ túi phổi đi ra, nhiều CO2). D là điểm kết thúc một chu kỳ thở vào-thở ra và bắt đầu một chu kỳ mới, tại đây nồng độ CO2 đạt đỉnh. Đoạn DE nồng độ CO2 giảm dần do sự pha loãng cùa khí thở vào.

Giá trị EtCO2 bình thường nằm trong khoảng 35 – 45 mmHg. Nếu giá trị nằm ngoài khoảng này và hình dạng của dạng sóng không bình thường, các bác sĩ có thể chẩn đoán được một số bệnh lí.

Dạng sóng thở (Respiration waveforms)
Thông thường monitor có thể tính nhịp thở từ bộ phận đo EtCO2 hoặc ECG. Tuy nhiên, để vẽ dạng sóng thở, monitor lấy tín hiệu từ bộ đo ECG. Kỹ thuật thường được sử dụng là đo trở kháng (impedance) giữa hai điện cực điện tim (thường là 2 đầu đạo trình I hoặc II), do đó dạng sóng thở trên monitor thường được gọi là “impedance respiration waveform”. Dạng sóng thở thông thường trên monitor sẽ như hình sau: 

Dạng sóng thở đo bằng phương pháp trở kháng

Sự biến đổi của đường cong ứng với sự thay đổi trở kháng của lồng ngực. Mỗi chu kỳ gồm 1 đường cong lên xuống, đoạn đi lên ứng với kỳ thở vào, thể tích lồng ngực tăng khiến trở kháng cũng tăng. Đoạn đi xuống ứng với kỳ thở ra. Người ta cũng phát triển các phương pháp vẽ dạng sóng thở nhờ các biến đổi toán học tín hiệu điện tim.

Dạng sóng huyết áp (Blood pressure waveform)
Để theo dõi huyết áp liên tục và vẽ đồ thị, các bác sĩ phải sử dụng phương pháp đo huyết áp xâm lấn (Invasive Blood Pressure hay IBP). Người ta có thể đo IBP tại nhiều vị trí trên cơ thể nhưng thông thường nhất là đo ở động mạch quay, đùi,…Dạng sóng huyết áp có hình dạng gần giống với hình dạng sóng Pleth do cả hai đều liên quan đến mức độ bơm máu đến động mạch. 

Ngoài các dạng sóng cơ bản trên, các monitor cao cấp hoặc chuyên dụng còn vẽ dạng sóng của các thông số khác khác.Tuy nhiên,các thông số này thường chỉ cần theo dõi trong những trường hợp đặc biệt.

MONITOR SẢN KHOA

Thanh Hằng Lê No Comments

Để đánh giá sự phát triển của bé trong bụng mẹ, ngoài những chỉ số đo đạc qua siêu âm, các bác sĩ sản khoa còn dựa vào monitor theo dõi nhịp tim thai. Đây là một công cụ đơn giản nhưng lại vô cùng hữu ích, giúp bác sĩ mau chóng đưa ra hướng xử lý phù hợp. Vậy monitor theo dõi tim thai là gì, thực hiện lúc nào và bằng cách nào, ý nghĩa của nó ra sao? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây:

Sự điều hòa của nhịp tim thai là kết quả của nhiều yếu tố tương tác với nhau, bao gồm các yếu tố từ mẹ (như cơn gò tử cung khi chuyển dạ) và các yếu tố từ bản thân thai nhi (như tuổi thai, tư thế, cử động của bé trong buồng tử cung).

Monitor sản khoa
Monitor sản khoa

1. Monitor theo dõi tim thai là gì?

Monitoring sản khoa ghi lại đồng thời nhịp tim thai và hoạt động cơ tử cung (TC). Đường biểu diễn thu được gọi là CTG (cardiotocography). Khi đánh giá và diễn dịch các đường ghi trên CTG phải đánh giá các đặc điểm của nhịp tim thai và hoạt động của cơn co tử cung. Bất kỳ sự sai lệch nào vượt ra ngoài các đường biểu diễn bình thường cũng cần được nhận biết và phân tích để đưa đến một kết luận đúng đắn trong quá trình theo dõi chuyển dạ để tránh dẫn đến can thiệp muộn hoặc can thiệp không cần thiết cho mẹ và thai nhi.

Ngoài ra, theo dõi tim thai bằng monitor không chỉ thu thập thông tin tim thai mà còn ghi nhận cơn gò của tử cung và các cử động của thai (thai máy) xảy ra trong lúc gắn máy. Về mặt nguyên tắc, bất cứ lúc nào ghi nhận được tim thai đều có thể theo dõi monitor. Tuy nhiên, trong giai đoạn tam cá nguyệt thứ ba (ba tháng cuối thai kì), nhất là những ngày cận kề ngày dự sinh hoặc theo dõi tim thay ngay trong quá trình chuyển dạ, vai trò của monitor có ý nghĩa hơn cả.

Monitor sản khoa FM20 – Mediana Hàn Quốc

Bằng cách sử dụng một đầu dò đặt trên thành bụng mẹ, điện cực sẽ ghi nhận tần số và biên độ của tim thai. Kết quả được ghi nhận liên tục, vẽ trên giấy một đường biểu diễn kéo dài trong suốt quá trình đặt máy. Đây được gọi là monitor theo dõi nhịp tim thai.

2. Các kết quả của monitor theo dõi tim thai

Monitor ghi nhận sự biến thiên của các giá trị như sau:

2.1. Nhịp tim thai cơ bản

Nhịp tim thai cơ bản là số lần trung bình tim của bé đập trong một phút khi không có cơn gò tử cung hoặc cử động thai.

Nhịp tim thai bình thường là từ 120 đến 160 lần trong một phút. Nếu trên 160 lần sẽ gọi là nhịp nhanh và dưới 120 lần sẽ gọi là nhịp chậm. Nhịp nhanh trầm trọng hoặc nhịp chậm trầm trọng là khi nhịp tim thai trên 180 lần hoặc dưới 100 lần trong một phút.

2.2. Những dao động nội tại

Khi có sự tác động từ bên ngoài (như cơn gò, cử động của thai), trung tâm điều khiển nhịp tim sẽ kích thích tăng tần số, nhằm cung cấp lượng máu nhiều hơn cũng như để chịu đựng tình trạng thiếu oxy tương đối, nhất là trong quá trình chuyển dạ. Sự biến đổi nhịp tim thai quanh nhịp tim cơ bản gọi là những dao động nội tại.

Dao động nội tại được xem là bình thường nếu như tim thai của bé tăng được hơn 10 nhịp trong một phút so với nhịp tim thai cơ bản.

2.3. Cử động thai

Các cử động thai được ghi nhận bằng cảm nhận của mẹ. Trong thời gian theo dõi là 20 phút, bé yêu của bạn được đánh giá là bình thường nếu có từ trên 2 lần cử động.

Trong trường hợp 10 phút đầu chưa thấy thai máy, các mẹ bầu được khuyên cần “đánh thức” bé dậy bằng cách vỗ nhẹ, rung lắc bụng hoặc nói chuyện với bé, cho bé nghe nhạc… Bởi vì chỉ khi có cử động thai, các bác sĩ mới đánh giá được những dao động nội tại có bình thường hay không.

Nếu kết quả không đáp ứng tốt, đây là một dấu hiệu báo động thai có thể bị suy. Phương pháp này góp phần giúp bác sĩ nhận định tiếp tục thai kì hay nên chấm dứt thai kì là có lợi hơn.

Việc đánh giá sức khỏe của thai nhi bằng monitor cho kết quả khá tin cậy, đặc biệt là khi theo dõi trong giai đoạn cuối hay những thai kì nguy cơ cao. Chính vì thế, các mẹ bầu sẽ hoàn toàn yên tâm khi theo dõi tìm tim thai bằng monitor cho bé, tránh những rủi ro đáng tiếc xảy ra.

Monitor sản khoa FM20 – Mediana Hàn Quốc

là thiết bị được nhiều bệnh viện, phòng khám sản phụ khoa đầu tư bởi tính năng hiệu quả, chính xác và bền bỉ.

Chi tiết Monitor Sản khoa FM20:

TỔNG QUAN VỀ MONITOR THEO DÕI BỆNH NHÂN

Thanh Hằng Lê No Comments

Máy Monitor theo dõi bệnh nhân là một trong những thiết bị giúp theo dõi tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Nó đưa ra những thống kê, thông báo cũng như việc cảnh báo kịp thời dựa trên những thông số về tiêu chuẩn, về chỉ số sống hay những thông số cần đo. Bài viết dưới đây chúng tôi sẽ đi sâu phân tích để bạn hiểu hơn về dòng máy này.

Tổng quan về Monitor theo dõi bệnh nhân
Tổng quan về Monitor theo dõi bệnh nhân
  1. Vai trò của máy monitor theo dõi bệnh nhân

Monitor theo dõi bệnh nhân giúp các bác sĩ có thể theo dõi liên tục các chỉ số cần quan sát, theo dõi bệnh nhân từ đó đưa ra được các đánh giá, phân tích tự đông trên máy dựa trên những thông số tiêu chuẩn trên cơ thể. Monitor sẽ là một thiết bị trợ giúp đưa ra kết quả một cách nhanh chóng, chính xác nhất.

Ngoài ra, các loại monitor còn cho phép các bác sĩ không phải lúc nào cũng có mặt để quan sát bệnh nhân mà máy có chế độ tự động cập nhật, đo đạc các chỉ số một cách nhanh chóng, chính xác cũng như đưa ra các báo động kịp thời nếu xảy ra tình trạng bất thường về sức khỏe của bệnh nhân. 

2. Các chỉ số trên máy monitor theo dõi bệnh nhân

– NIBP: Chỉ số đo huyết áp không xâm lấn

– Nhịp thở: số lần thở/phút

– Nhịp tim: Số nhịp tim/phút

– Nhiệt độ cơ thể người bệnh

– EtCO2: áp lực (mmHg) hoặc nồng độ (%) khí cacbonic vào cuối kỳ thở ra của bệnh nhân

– ECG: Chỉ số điện tim

– SpO2: Chỉ số nồng độ bão hòa oxy trong máu

Các loại Monitor theo dõi bệnh nhân càng nhiều thông số (thường là các tùy chọn) thì giá thành càng cao hơn. Nếu xác định nhu cầu bạn cần dùng 4 hay 5-7 thông số nêu trên thì bạn nên lựa chọn Monitor theo dõi bệnh nhân. Còn nếu nhu cầu của bạn chỉ là sử dụng 1 trong các thông số như ECG, SpO2, NiBP thì bạn có thể lựa chọn các loại máy điện tim, máy đo SpO2 hay máy đo huyết áp riêng biệt (Các loại máy này còn có thể hiện nhịp tim, nhịp thở) vì giá thành sẽ rẻ hơn các loại Monitor theo dõi bệnh nhân.

3. Các dòng máy monitor theo dõi bệnh nhân do Việt Phan phân phối:

– Monitor theo dõi bệnh nhân 5 thông số M30 Mediana Hàn Quốc

– Monitor trung tâm – YM9000 – Mediana Hàn Quốc

Monitor theo dõi bệnh nhân 5-7 thông số YM6000 – Mediana Hàn Quốc

Giải pháp trọn gói từ nhập khẩu tới tận tay người sử dụng

Với kinh nghiệm hơn 22 năm trên thị trường, chúng tôi hoàn toàn có đủ năng lực và kinh nghiệm để giúp quý khách hàng có được giải pháp tổng thể: từ tư vấn thiết kế, cung cấp thiết bị cho đến thi công và bảo hành.