Các xét nghiệm thăm dò chức năng đông máu
Đếm số lượng tiểu cầu nhờ xét nghiệm tổng phân tích máu: Ở người trưởng thành, sức khỏe bình thường thì có số lượng tiểu cầu khoảng 150 – 450 G/L.
Số lượng tiểu cầu ảnh hưởng mật thiết đến chức năng đông máu vì nó là yếu tố quyết định đến giai đoạn cầm máu ban đầu. Những người có số lượng tiểu cầu ít có thể gặp phải các vấn đề về đông máu (rối loạn đông máu, máu khó đông,…)
Thực hiện:
- Lấy máu cho vào ống có chất chống đông EDTA, lắc đều.
- Cho vào máy xét nghiệm tổng phân tích máu và ra lệnh máy hoạt động.
- Đọc kết quả và đưa ra kết luận.
- Xét nghiệm PT – Prothrombin time
Đây là xét nghiệm khảo sát con đường đông máu ngoại sinh. Tức là xét nghiệm kiểm tra thời gian hình thành một cục máu đông trong mẫu máu xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm này chịu ảnh hưởng của các yếu tố khác: fibrinogen, thromboplastin,…
Kết quả của xét nghiệm PT được biểu thị dưới các dạng:
- PT% : tỷ lệ của phức hệ Prothrombin trong mẫu xét nghiệm so với mẫu chuẩn. Bình thường, giá trị này nằm trong khoảng 70% – 140%. Nếu PT% < 70% thì quá trình đông máu có vấn đề.
- PT(s): thời gian hình thành cục máu đông. Trị số bình thường rơi vào khoảng 10 – 14 giây tùy phòng xét nghiệm.
- INR (chỉ số bình thường hóa quốc tế): ngoài chỉ định thường quy, chỉ số này còn có vai trò trong theo dõi để chỉnh liều ở các bệnh nhân sử dụng thuốc chống đông kháng vitamin K. Chỉ số này nằm trong khoảng 0,8 – 1,2. Một số trường hợp đặc biệt có thể lên tới 2 – 3 nhưng vẫn được đánh giá là bình thường.
- Xét nghiệm APTT – thời gian Thromboplastin từng phần được hoạt hoá
Đây là xét nghiệm khảo sát con đường đông máu nội sinh. Kết quả xét nghiệm APTT – Activated Partial Thromboplastin Time được biểu thị dưới các dạng:
- APTT: thời gian đông máu từng phần. Bình thường giá trị này nằm trong khoảng 30 – 35 giây.
- rAPTT: tỷ lệ giữa APTT của mẫu xét nghiệm so với APTT mẫu chuẩn. Giá trị này nằm trong khoảng 0,85 – 1,25 là bình thường.
- Xét nghiệm TT – Thrombin time
Xét nghiệm Thrombin time giúp đánh giá con đường đông máu chung. Kết quả xét nghiệm TT biểu thị dưới các dạng:
- TT: thời gian đông. Bình thường 15 – 25 giây.
- rTT: tỷ lệ giữa TT mẫu xét nghiệm với TT mẫu chuẩn, nằm trong khoảng 0,85 – 1,25 là bình thường.
- Xét nghiệm định lượng các yếu tố đông máu
- Định lượng Fibrinogen: lượng Fibrinogen huyết tương người bình thường nằm trong khoảng 2 – 4g/l.
- Định lượng các yếu tố đông máu ngoại sinh (yếu tố II, V, VII, X) và nội sinh (yếu tố VIII, IX, XI, XII).
Hoạt tính các yếu tố đông máu bình thường khoảng 50 – 150%.
- Định lượng các yếu tố kháng đông tự nhiên: AT – III (Anti – Thrombin III), PC (Protein C), PS (Protein S).
- Xét nghiệm gen đông máu
Quá trình đông máu cũng có thể bị ảnh hưởng bởi một số gen nhất định (yếu tố V leiden). Các gen này có khả năng di truyền từ bố mẹ sang con. Điều đặc biệt là gen này nằm trên NST X nên tỷ lệ xuất hiện gen gây rối loạn đông máu ở bé trai sẽ cao hơn bé gái. Vì thế, xét nghiệm gen đông máu cũng là cần thiết khi bố mẹ lo cho sức khỏe con cái.
Những lưu ý khi đi xét nghiệm
Các xét nghiệm đông máu kể trên giúp thăm dò, khảo sát chức năng đông máu của người đi xét nghiệm. Dựa vào kết quả mà bác sĩ sẽ có những lời khuyên, hướng điều trị thích hợp cho từng bệnh nhân. Trường hợp kết quả xét nghiệm cho thấy bạn mắc các vấn đề về rối loạn đông máu thì bác sĩ sẽ chỉ định bạn phải điều trị bằng các loại thuốc giúp điều chỉnh chức năng đông máu và thực hiện chế độ sinh hoạt phù hợp để cải thiện sức khỏe.
Tương tự như những xét nghiệm khác, trước khi đi xét nghiệm chức năng đông máu bạn cần lưu ý những điểm sau:
- Không sử dụng rượu, bia, các chất kích thích trước khi đi xét nghiệm chức năng đông máu bởi vì các chất này làm thay đổi thành phần, tính chất của máu gây ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm.
- Nếu đang sử dụng thuốc phải dưới sự theo dõi và khuyến cáo của bác sĩ.
- Một số thực phẩm như thịt bò, bông cải xanh có thể gây ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm. Do đó, bạn nên hạn chế ăn các thực phẩm này 2 – 3 ngày trước khi đi xét nghiệm.
- Nên xét nghiệm vào sáng sớm để cho kết quả chính xác.