Xét nghiệm sinh hóa máu thường được đánh giá bằng khám sức khỏe tổng quát. Các xét nghiệm sinh hóa máu thường được thực hiện trong việc đánh giá khám sức khỏe tổng quát và thăm dò chức năng cơ quan, chẩn đoán bệnh lý bao gồm:
- Chức năng gan
Những xét nghiệm sinh hóa chức năng gan đo lường khả năng của gan đang hoạt động tốt như thế nào. Đó là các thông số về men gan – protein giúp gan phân hủy các chất khác – như alanine transaminase (ALT), aspartate transaminase (AST) và phosphatase kiềm (ALP). Nồng độ men gan cao có thể là dấu hiệu của viêm gan hay tổn thương tế bào gan.
Các xét nghiệm chức năng gan khác là đo nồng độ của bilirubin trong sự phân hủy huyết sắc tố từ hồng cầu. Nồng độ cao của bilirubin có thể chỉ ra các vấn đề về gan, gây rối loạn chuyển hóa bilirubin khiến chất này không đào thải ra ngoài được mà bị ứ đọng lại trong máu.
- Chức năng thận
Những xét nghiệm sinh hóa chức năng thận đo lường khả năng làm việc của thận. Vai trò của thận là đào thải các sản phẩm chuyển hóa ra ngoài, đó là nitơ urê máu (BUN) và creatinin. Từ đó, các nhà sinh hóa tính ra chỉ số mức lọc của cầu thận là eGFR, đây là thước đo mức độ thận lọc máu như thế nào. Nếu vì bất kỳ ảnh hưởng nào lên chức năng lọc của thận, các sản phẩm này sẽ ứ lại trong máu và biểu hiện là tăng nồng độ trên kết quả xét nghiệm.
- Điện giải
Các chất điện giải đóng vai trò quan trọng trong hoạt động điện học trên màng các tế bào, dây thần kinh và các cơ quan, bao gồm bicarbonate, clorua, kali và natri.
Sự mất cân bằng điện giải có thể là do không nhận đủ chất dinh dưỡng cần thiết hoặc nước hoặc do các vấn đề về thận hay rối loạn chức năng chuyển hóa của các cơ quan khác.
- Đường huyết
Các tế bào trong cơ thể sử dụng glucose làm năng lượng. Nguồn glucose được lấy từ thực phẩm ăn vào; do đó, nồng độ glucose trong máu sẽ tăng lên sau bữa ăn và giảm thấp vào khoảng giữa các bữa ăn. Vì vậy, để đánh giá chỉ số đường huyết được chính xác, người bệnh cần được dặn dò nhịn ăn ít nhất 6 đến 8 giờ trước khi lấy máu làm xét nghiệm.
Nếu lượng đường trong máu cao, đây có thể là dấu hiệu của bệnh đái tháo đường hoặc đề kháng insulin. Tuy nhiên, việc xác chẩn bệnh lý này cần dựa trên ít nhất hai thông số, bởi lẽ việc điều trị đái tháo đường cần tuân thủ suốt đời.
- Lipid máu
Lipid máu hay mỡ máu là một yếu tố nguy cơ chính gây xơ vữa động mạch, là nguyên nhân của các biến cố quan trọng trong các bệnh lý tim mạch như nhồi máu cơ tim hay đột quỵ. Chính vì vậy, phát hiện sớm chứng rối loạn lipid máu thông qua sự tăng nồng độ các thành phần và điều trị là các phòng ngừa tiên phát hiệu quả đã được chứng minh.
Tương tự như glucose máu, xét nghiệm lipid máu cũng đòi hỏi người bệnh nhịn ăn. Đồng thời, vì quá trình chuyển hóa chất béo trong cơ thể có sự tham gia của các thành phần trung gian khác nhau, các loại cholesterol thường được chỉ định trong lâm sàng là cholesterol toàn phần, lipoprotein cholesterol tỷ trọng thấp (LDL), lipoprotein cholesterol tỷ trọng cao (HDL) và triglycerid.
- Protein máu
Nồng độ protein máu cung cấp thông tin về các vấn đề dinh dưỡng và giúp chẩn đoán bệnh lý tại gan, thận, huyết học. Theo đó, kết quả đạm máu quá cao hay quá thấp đều cần được tìm kiếm nguyên nhân.
Khác với xét nghiệm đường huyết và lipid máu, xét nghiệm protein máu rất ít có sự tương quan với bữa ăn.
Kết quả xét nghiệm sinh hóa máu có ý nghĩa như thế nào?
Kết quả xét nghiệm sinh hóa máu thường được trình bày dưới dạng chữ số với đơn vị đo lường nồng độ tương ứng. Bên cạnh kết quả của người bệnh, khoảng giá trị tham chiếu của dân số bình thường cũng được thể hiện để hỗ trợ đưa ra nhận định kết luận là bình thường hay bất thường. Mặc dù vậy, việc kết luận kết quả còn phải phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm giới tính, tuổi tác và tiền sử bệnh lý trước đó cũng như bệnh cảnh hiện tại. Từ đó, bác sĩ sẽ có cách theo dõi diễn tiến của bệnh, đánh giá điều trị thích hợp.
Trong trường hợp người đi khám sức khỏe tổng quát nhận được kết quả bất thường, một xét nghiệm lặp lại là cần thiết. Nếu kết quả nhận được là bất thường, người bệnh cần được chuyển đến thăm khám đúng chuyên khoa, tìm kiếm các bệnh lý nghi ngờ và tiến hành điều trị sớm nếu có. Ngược lại, nếu các kết quả đều bình thường, những thông số này cũng cần được lưu trữ để làm giá trị tham chiếu cho các lần khám sau.