• +84-24-35771501
  • info@vietphan.com.vn

Author Archives: Thanh Hằng Lê

NHỮNG LƯU Ý KHI THỰC HIỆN XÉT NGHIỆM SINH HÓA MÁU

Thanh Hằng Lê No Comments

Nguyên nhân phổ biến của những sai số xét nghiệm thường không phải là bản thân việc làm xét nghiệm mà là những sai số do lấy mẫu bệnh phẩm. Thể hiện qua một số điểm sau đây:

NHỮNG LƯU Ý KHI THỰC HIỆN XÉT NGHIỆM SINH HÓA MÁU
NHỮNG LƯU Ý KHI THỰC HIỆN XÉT NGHIỆM SINH HÓA MÁU


1. Vị trí lấy máu xét nghiệm: Máu xét nghiệm có thể được lấy ở tĩnh mạch, mao mạch và ít hơn là ở động mạch. Có một số chất có thể có sự thay đổi do thay đổi chuyển hóa hoặc do sự phân bố khác nhau giữa hai khu vực của cơ thể. Ví dụ: Nồng độ ôxy, nồng độ glucose ở máu động mạch cao hơn so với máu tĩnh mạch; Nồng độ protein máu mao mạch cao hơn so với máu tĩnh mạch.

2. Thời gian buộc garô: Cần cởi garô ngay sau khi kim đã vào tĩnh mạch. Bởi sự ứ động máu làm tăng sự phân hủy yếm khí glucose máu và làm giảm pH máu cùng sự tích tụ của lactate. Hiện tượng thiếu ôxy dẫn đến sự giải phóng kali từ tế bào. Có sự tăng nồng độ ion Ca++ và Mg++ ở máu trong thời gian buộc garô.

3. Tư thế của bệnh nhân khi lấy máu: Để lấy máu của bệnh nhân ngoại trú tốt nhất bệnh nhân cần được ngồi nghỉ 10 phút trước khi lấy máu. Tư thế khác nhau của bệnh nhân khi lấy máu (nằm hay đứng) cũng có thể làm thay đổi nồng độ một số chất trong máu. Sự thay đổi nồng độ của một số chất trong máu khi thay đổi tư thế bệnh nhân từ nằm sang ngồi: Urê giảm 3%, Kali tăng 3%, Canxi tăng 4%, Creatinin tăng 5%, Protein tăng 10%, AST tăng 15%, ALT tăng 15%, đặc biệt Cholesterol tăng 18%.

4. Thời điểm lấy máu: Do có sự thay đổi nhịp sinh học, nồng độ một số chất có thể thay đổi tùy theo thời gian lấy máu, ví dụ nồng độ cortisol có đỉnh cao nhất vào buổi sáng (6-8 h) và giảm dần vào buổi chiều và nửa đêm. Sự thay đổi tương tự cũng xảy ra với sắt huyết thanh và ngay cả với glucose. Kết quả dung nạp glucose cũng cao hơn ở buổi chiều so với buổi sáng.

5. Thời gian nhịn ăn trước khi lấy máu: Nên lấy máu ở thời gian đói qua đêm, ít nhất là 12 h trước khi lấy máu vì nồng độ triglyceride máu có thể bị ảnh hưởng bởi bữa ăn ở thời điểm 9 h trước khi lấy máu. Tuy nhiên, nhịn ăn kéo dài 48 h làm tăng nồng độ bilirubin huyết thanh và làm giảm nồng độ albumin, prealbumin và transferring.

6. Chất chống đông: Lithium heparin thường được dùng làm chất chống đông trong việc lấy huyết tương, không làm thay đổi trị số của điện giải và protein toàn phần. Heparin nước có thể gây sai số do pha loãng mẫu máu, điều này có thể khắc phục bằng cách sử dụng heparin đông khô trong bơm tiêm.

Chất chống đông EDTA thường được dùng để lấy máu làm xét nghiệm huyết học nhưng không được dùng để lấy máu làm xét nghiệm định lượng kali và canxi.

7. Lưu giữ máu: Khoảng thời gian từ khi lấy máu tới khi máu được xét nghiệm sẽ ảnh hưởng đến nồng độ một số chất của máu. Máu để đo khí máu, nếu lưu giữ ở nhiệt độ phòng sẽ làm giảm đáng kể pH, CO2 và PO2. Glucose nếu không tách huyết thanh hoặc huyết tương ngay mỗi giờ sẽ bị giảm khoảng 7%. Lưu giữ máu trong tủ lạnh (0-40C) làm chậm quá trình giảm chất lượng mẫu máu.

8. Sự tan huyết: Tan huyết gây ra do sai sót lấy máu sẽ làm tăng các thành phần như kali, phosphate… trong huyết tương và làm tăng hemoglobin. Hemoglobin có thể gây nhiễu trong một vài phương pháp xét nghiệm.

9. Tiêm truyền: Luôn phải lấy máu ở tay khác với tay được truyền glucose. Nồng độ glucose máu có thể tăng rất cao nếu máu được lấy ở cùng tay đang được truyền glucose.

Hiện nay, quy trình lấy mẫu của khu vực xét nghiệm Bệnh viện TƯQĐ 108 đã có những cải tiến không ngừng, tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc chuyên môn, đảm bảo kết quả xét nghiệm luôn chính xác, kịp thời.

CÁC XÉT NGHIỆM SINH HÓA MÁU THƯỜNG ĐƯỢC THỰC HIỆN NÓI LÊN ĐIỀU GÌ?

Thanh Hằng Lê No Comments

Xét nghiệm sinh hóa máu thường được đánh giá bằng khám sức khỏe tổng quát. Các xét nghiệm sinh hóa máu thường được thực hiện trong việc đánh giá khám sức khỏe tổng quát và thăm dò chức năng cơ quan, chẩn đoán bệnh lý bao gồm:

CÁC XÉT NGHIỆM SINH HÓA MÁU THƯỜNG ĐƯỢC THỰC HIỆN NÓI LÊN ĐIỀU GÌ?
CÁC XÉT NGHIỆM SINH HÓA MÁU THƯỜNG ĐƯỢC THỰC HIỆN NÓI LÊN ĐIỀU GÌ?
  • Chức năng gan

Những xét nghiệm sinh hóa chức năng gan đo lường khả năng của gan đang hoạt động tốt như thế nào. Đó là các thông số về men gan – protein giúp gan phân hủy các chất khác – như alanine transaminase (ALT), aspartate transaminase (AST) và phosphatase kiềm (ALP). Nồng độ men gan cao có thể là dấu hiệu của viêm gan hay tổn thương tế bào gan.

Các xét nghiệm chức năng gan khác là đo nồng độ của bilirubin trong sự phân hủy huyết sắc tố từ hồng cầu. Nồng độ cao của bilirubin có thể chỉ ra các vấn đề về gan, gây rối loạn chuyển hóa bilirubin khiến chất này không đào thải ra ngoài được mà bị ứ đọng lại trong máu.

  • Chức năng thận

Những xét nghiệm sinh hóa chức năng thận đo lường khả năng làm việc của thận. Vai trò của thận là đào thải các sản phẩm chuyển hóa ra ngoài, đó là nitơ urê máu (BUN) và creatinin. Từ đó, các nhà sinh hóa tính ra chỉ số mức lọc của cầu thận là eGFR, đây là thước đo mức độ thận lọc máu như thế nào. Nếu vì bất kỳ ảnh hưởng nào lên chức năng lọc của thận, các sản phẩm này sẽ ứ lại trong máu và biểu hiện là tăng nồng độ trên kết quả xét nghiệm.

  • Điện giải

Các chất điện giải đóng vai trò quan trọng trong hoạt động điện học trên màng các tế bào, dây thần kinh và các cơ quan, bao gồm bicarbonate, clorua, kali và natri.

Sự mất cân bằng điện giải có thể là do không nhận đủ chất dinh dưỡng cần thiết hoặc nước hoặc do các vấn đề về thận hay rối loạn chức năng chuyển hóa của các cơ quan khác.

  • Đường huyết

Các tế bào trong cơ thể sử dụng glucose làm năng lượng. Nguồn glucose được lấy từ thực phẩm ăn vào; do đó, nồng độ glucose trong máu sẽ tăng lên sau bữa ăn và giảm thấp vào khoảng giữa các bữa ăn. Vì vậy, để đánh giá chỉ số đường huyết được chính xác, người bệnh cần được dặn dò nhịn ăn ít nhất 6 đến 8 giờ trước khi lấy máu làm xét nghiệm.

Nếu lượng đường trong máu cao, đây có thể là dấu hiệu của bệnh đái tháo đường hoặc đề kháng insulin. Tuy nhiên, việc xác chẩn bệnh lý này cần dựa trên ít nhất hai thông số, bởi lẽ việc điều trị đái tháo đường cần tuân thủ suốt đời.

  • Lipid máu

Lipid máu hay mỡ máu là một yếu tố nguy cơ chính gây xơ vữa động mạch, là nguyên nhân của các biến cố quan trọng trong các bệnh lý tim mạch như nhồi máu cơ tim hay đột quỵ. Chính vì vậy, phát hiện sớm chứng rối loạn lipid máu thông qua sự tăng nồng độ các thành phần và điều trị là các phòng ngừa tiên phát hiệu quả đã được chứng minh.

Tương tự như glucose máu, xét nghiệm lipid máu cũng đòi hỏi người bệnh nhịn ăn. Đồng thời, vì quá trình chuyển hóa chất béo trong cơ thể có sự tham gia của các thành phần trung gian khác nhau, các loại cholesterol thường được chỉ định trong lâm sàng là cholesterol toàn phần, lipoprotein cholesterol tỷ trọng thấp (LDL), lipoprotein cholesterol tỷ trọng cao (HDL) và triglycerid.

  • Protein máu

Nồng độ protein máu cung cấp thông tin về các vấn đề dinh dưỡng và giúp chẩn đoán bệnh lý tại gan, thận, huyết học. Theo đó, kết quả đạm máu quá cao hay quá thấp đều cần được tìm kiếm nguyên nhân.

Khác với xét nghiệm đường huyết và lipid máu, xét nghiệm protein máu rất ít có sự tương quan với bữa ăn.

Kết quả xét nghiệm sinh hóa máu có ý nghĩa như thế nào?

Kết quả xét nghiệm sinh hóa máu thường được trình bày dưới dạng chữ số với đơn vị đo lường nồng độ tương ứng. Bên cạnh kết quả của người bệnh, khoảng giá trị tham chiếu của dân số bình thường cũng được thể hiện để hỗ trợ đưa ra nhận định kết luận là bình thường hay bất thường. Mặc dù vậy, việc kết luận kết quả còn phải phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm giới tính, tuổi tác và tiền sử bệnh lý trước đó cũng như bệnh cảnh hiện tại. Từ đó, bác sĩ sẽ có cách theo dõi diễn tiến của bệnh, đánh giá điều trị thích hợp.

Trong trường hợp người đi khám sức khỏe tổng quát nhận được kết quả bất thường, một xét nghiệm lặp lại là cần thiết. Nếu kết quả nhận được là bất thường, người bệnh cần được chuyển đến thăm khám đúng chuyên khoa, tìm kiếm các bệnh lý nghi ngờ và tiến hành điều trị sớm nếu có. Ngược lại, nếu các kết quả đều bình thường, những thông số này cũng cần được lưu trữ để làm giá trị tham chiếu cho các lần khám sau.

XÉT NGHIỆM SINH HÓA MÁU LÀ GÌ?

Thanh Hằng Lê No Comments

Xét nghiệm sinh hóa máu được chỉ định nhiều trong quy trình thăm khám hiện nay. Đây cũng là một trong những xét nghiệm quan trọng trong việc chẩn đoán bệnh lý sớm để đưa ra phương pháp điều trị kịp thời. Trong bài viết dưới đây chúng ta sẽ cùng tìm hiểu chi tiết hơn về loại xét nghiệm này.

Xét nghiệm sinh hóa máu là gì?

Xét nghiệm sinh hóa máu giúp cho người bệnh đỡ tốn kém chi phí cho việc điều trị bệnh cũng như hỗ trợ bệnh sớm phục hồi hoàn toàn.

Có nhiều loại xét nghiệm sinh hóa máu được thực hiện trong thực hành thăm khám lâm sàng hằng ngày. Tuy nhiên, tùy vào từng bệnh cảnh, bác sĩ sẽ chỉ định đo lường loại nào là phù hợp, tránh dư thừa. Trong đó, các chất sinh hóa quan trọng, phổ quát thường làm là các men gan, chất thải của thận là creatinin, các chất điện giải, chất béo, đường, protein. Đôi khi trong bệnh lý chuyên biệt, bác sĩ sẽ cần khảo sát thêm nồng độ các loại hormone, vitamin và khoáng chất.

Xét nghiệm sinh hóa máu là gì
Xét nghiệm sinh hóa máu là gì

Ví dụ như với một người bị bệnh viêm gan B, thực hiện xét nghiệm giúp người bệnh phát hiện bệnh sớm hơn, từ đó có thể hạn chế tối đa được những biến chứng có thể gây ung thư. Ngoài ra việc phát hiện những dấu hiệu bất thường của cơ thể thông qua xét nghiệm này sẽ hỗ trợ chẩn đoán bệnh viêm gan B và đưa ra phương án điều trị bệnh phù hợp nhất.

Trong lĩnh vực xét nghiệm của y khoa, chỉ định xét nghiệm sinh hóa máu được thực hiện rất phổ biến, như là một công cụ hỗ trợ chẩn đoán và điều trị với các vai trò quan trọng như sau:

  • Đánh giá chung khi thăm khám sức khỏe tổng quát
  • Kiểm tra chức năng một số cơ quan như thận, gan
  • Kiểm tra chức năng một số tuyến nội tiết như tuyến giáp
  • Kiểm tra sự cân bằng nước và điện giải trong môi trường ngoại bào
  • Hỗ trợ chẩn đoán bệnh lý và các tình trạng y khoa
  • Làm cơ sở để so sánh diễn tiến bệnh học hay đáp ứng điều trị trong tương lai

Làm thế nào để thực hiện xét nghiệm sinh hóa máu?

Khi có chỉ định xét nghiệm sinh hóa máu, bác sĩ đã lựa chọn chỉ số sinh hóa cần quan tâm để đo lường. Với chỉ định này, điều dưỡng hay kỹ thuật viên phòng xét nghiệm sẽ lấy một lượng máu vừa đủ của người bệnh tại vị trí tĩnh mạch trên tay. Mẫu bệnh phẩm sẽ được cho vào lọ có chứa chất chống đông phù hợp, dán tên người bệnh và nhanh chóng cho vào máy xét nghiệm. Trong trường hợp chưa thể đưa máu đến phòng xét nghiệm, các lọ bệnh phẩm cần lưu trữ trong điều kiện thích hợp, tránh để môi trường bình thường trở thành yếu tố gây nhiễu cho kết quả thu nhận.

Toàn bộ quá trình xét nghiệm sinh hóa máu đều thực hiện khép kín bằng máy móc với các chất hóa học chuyên biệt, từ lúc đưa máu vào máy cho đến lúc thu nhận kết quả. Sau đó, kết quả sẽ được gửi trả lại cho bác sĩ chỉ định ban đầu. Phần bệnh phẩm dư thừa sau khi hoàn thành xét nghiệm sẽ được xử lý như rác thải y tế.

Cần lưu ý rằng, một số chỉ định xét nghiệm sinh hóa máu đòi hỏi người bệnh không ăn hoặc uống bất cứ thứ gì, trừ nước, trong vài giờ trước khi làm xét nghiệm. Ngoài ra, một số loại thuốc cũng có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm sinh hóa máu. Do đó, người bệnh cần được dặn dò những điều này trước khi thực hiện xét nghiệm.

Ý NGHĨA CÁC CHỈ SỐ XÉT NGHIỆM SINH HÓA MÁU

Thanh Hằng Lê No Comments

Sinh hóa máu là một xét nghiệm y học thông dụng trong chẩn đoán và theo dõi bệnh lý nội khoa, đồng thời đánh giá toàn bộ chức năng của cơ thể của bạn.

Xét nghiệm sinh hoá rất quan trọng để phát hiện bệnh lý sớm điều trị kịp thời đỡ tốn kém cho bệnh nhân và sớm hồi phục hoàn toàn.Ví dụ như bệnh viêm gan siêu vi B nếu các bạn phát hiện sớm thì điều trị kịp thời đở tốn kém và giảm thiểu biến chứng ung thư.

Vậy các chỉ số xét nghiệm sinh hóa máu mang ý nghĩa gì?

Ý NGHĨA CÁC CHỈ SỐ XÉT NGHIỆM SINH HÓA MÁU
Ý NGHĨA CÁC CHỈ SỐ XÉT NGHIỆM SINH HÓA MÁU

Xét nghiệm Ure

Xét nghiệm ure nhằm đánh giá chức năng thận và theo dõi bệnh nhân suy thận hoặc những người được lọc thận. Tuy nhiên, lượng nitơ urê khác nhau theo độ tuổi. Phạm vi bình thường đối với nitơ urê máu nói chung là từ 2,5-7,5 mmol/l. Nồng độ Ure tăng trong các trường hợp suy thận, viêm cầu thận mạn, u tiền liệt tuyến… Ure giảm trong trường hợp suy gan, chế độ ăn nghèo ure, truyền dịch nhiều…

Xét nghiệm Creatinin

Thử nghiệm creatinin huyết thanh – đo lường mức độ creatinin trong máu có thể chẩn đoán và đánh giá chức năng của thận. Chỉ số Creatinin ở mức bình thường đối với nữ là từ 53-100 mmol/l, và nam là từ 62-120 mmol/l. Nồng độ Creatinin tăng cao trong các trường hợp: Suy thận cấp và mạn tính, bí tiểu tiện, bệnh to đầu ngón, tăng bạch cầu, cường giáp, Goutte… Creatinin giảm trong các trường hợp: có thai, dùng thuốc chống động kinh, bệnh teo cơ cấp và mạn tính…

Xét nghiệm men gan ALT, AST, GGT

Là những xét nghiệm đánh giá chức năng gan. AST (GOT), ALT (GPT), GGT ở ngưỡng bình thường nằm trong khoảng 20 – 40 UI/L. 3 chỉ số men gan này tăng trong các trường hợp tổn thương tế bào gan. Ngoài ra, xét nghiệm GGT tăng ở những bệnh nhân bị suy tim hoặc dùng các loại thuốc kháng sinh, thuốc chống nấm, thuốc giảm đau chống viêm như Voltaren, Naproxen, Ibuprofen, thuốc trị động kinh…

Xét nghiệm Bilirubin

Xét nghiệm bilirubin được thực hiện để chẩn đoán và theo dõi những bệnh lý liên quan đến gan mật. Xét nghiệm được chỉ định trong các trường hợp vàng da do bệnh gan mật, tan máu… Trị số bình thường: Bilirubin toàn phần ≤17,0 Mmol/l. Bilirubin trực tiếp ≤4,3 Mmol/l. Bilirubin gián tiếp ≤12,7 Mmol/l.

Xét nghiệm Albumin

Trị số Albumin bình thường sẽ vào khoảng 35-50 g/l. Nồng độ Albumin sẽ bị giảm khi gan bị hư hỏng ở những người có bệnh thận gây ra hội chứng thận hư hoặc một người bị suy dinh dưỡng hay xuất hiện viêm nhiễm, hoặc bị sốc.

Xét nghiệm Acid Uric (urat)

Xét nghiệm này được thực hiện nhằm chẩn đoán bệnh gút, bệnh thận, khớp… Lượng Acid uric bình thường ở nam giới là 180-420 mmol/l, đối với nữ là 150-360 mmol/l. Lượng Acid uric tăng trong trường hợp bệnh Gout, đa hồng cầu, suy thận , tăng bạch cầu đơn nhân, bệnh vẩy nến, nhiễm trùng nặng. Giảm trong trường hợp có thai, bệnh Wilson, hội chứng Fanconi.

Xét nghiệm đường huyết (Glucose máu)

Xét nghiệm máu sinh hóa này giúp đánh giá lượng đường trong máu, kiểm soát hay chẩn đoán và theo dõi đường huyết ở bệnh nhân bị bệnh tiểu đường. Glucose ở mức bình thường vào khoảng 3,9- 6,4 mmol/l. Glucose tăng cao gặp trong các trường hợp: tiểu đường, cường giáp, cường tuyến yên, bệnh gan, giảm kali máu… Glucose giảm khi hạ đường huyết do chế độ ăn, do sử dụng thuốc hạ đường huyết quá liều, suy vỏ thượng thận, suy giáp, nhược năng tuyến yên, bệnh gan nặng, nghiện rượu, bệnh Addison…

Ý nghĩa các chỉ số xét nghiệm điện giải đồ

Thanh Hằng Lê No Comments

Ý nghĩa của Xét nghiệm điện giải đồ được làm rõ qua các chỉ số của bảng kết quả xét nghiệm, gồm định lượng nồng độ Na+ (natri), K+ (kali), Cl– (Clo), HCO3- (bicarbonat) và tổng lượng CO2. Cụ thể như sau:

Nồng độ Natri trong máu

Bình thường, lượng Natri trong máu là 135-145 mmol/l, chúng tồn tại chủ yếu ở dịch ngoại bào, giữ vai trò duy trì áp suất thẩm thấp tại dịch ngoại bào cùng Cl- và HCO3-. Chuyển hóa Na+ chịu tác động của hormone steroid vỏ thượng thận. 

ý nghĩa các chỉ số xét nghiệm điện giảii
ý nghĩa các chỉ số xét nghiệm điện giảii

Tăng Na+ trong máu

Tăng Natri máu thường là do sự mất cân bằng giữa lượng nước đưa vào cơ thể và lượng nước bị đào thải ra khỏi cơ thể.

– Tăng natri máu kèm theo tăng áp lực thẩm thấu.

– Các triệu chứng gặp ở người già thường kín đáo.

Tăng Na+ trong máu gây mất nước trong tế bào, cơ thể phù, tăng huyết áp. Người bệnh có triệu chứng da nhão, Khát, thiệu niệu, sút cân, tim đập nhanh hoặc nặng hơn là mê sảng, hôn mê, sốt, thở sâu và nhanh,…

Giảm Na+ trong máu

Các nguyên nhân thường gặp như:

– Áp lực thẩm thấu huyết tương > 290 mOsmol/l: Do tăng đường máu, do truyền dịch ưu trương(mannitol).

– Áp lực thẩm thấu huyết tương 280– 290 mOsmol/l: Giả hạ natri máu (tăng protin máu, tăng lipit máu).

– Áp lực thẩm thấu huyết tương < 280mOsmol/l:

+ Hạ natri máu kèm theo tăng thể tích ngoài tế bào: Kèm theo có phù, protit máu giảm, hematocrit giảm tình trạng này là hạ natri máu kèm theo ứ muối và ứ nước toàn thể. Hay gặp trong: Suy tim ứ huyết, suy gan, xơ gan cổ trướng, hội chứng thận hư.

+ Hạ narti máu với thể tích ngoài tế bào bình thường: Kèm theo có natri niệu bình thường, protit và hematocrit giảm nhẹ tình trạng này là hạ natri máu do pha loãng. Hay gặp trong: Hội chứng tiết ADH không thoả đáng (tiết quá mức) áp lực thẩm thấu niệu >100 mOsmol/kg, hội chứng cận ung thư, suy hô hấp, tai biến mạch máu não, chấn thương sọ não, viêm não…, do thuốc (phenothizin, chlopropamid, carbamazepin…), suy giáp, suy vỏ thượng thận gây thiếu hụt cortisol, uống quá nhiều bia, nhiều nước.

+ Hạ natri máu kèm theo giảm thể tích ngoài tế bào: Kèm theo có dấu hiệu lâm sàng mất nước ngoài tế bào, protid máu tăng, hematocrit tăng.

.Khi xét nghiệm nồng độ Na niệu >20mmol/l mất Na qua thận hay gặp do dùng lợi tiểu, suy thượng thận, bệnh thận gây mất muối, suy thận thể còn nước tiểu, giai đoạn đái nhiều của hoại tử ống thận cấp, sau giải quyết tắc nghẽn đường tiết niệu, bệnh thận kẽ, hội chứng mất muối do não.

.Khi xét nghiệm nồng độ Na niệu <15 mmol/l mất Na ngoài thận hay gặp do mất qua tiêu hoá(tiêu chảy, nôn, rò tiêu hoá, mất vào khoang thứ ba), mất qua da(mồ hôi, bỏng), chấn thương.

Giảm Na+ trong máu gây nhược trương dịch gian bào, nước tràn vào tế bào. Người bệnh có triệu chứng ngất, hoa mắt, khát, phù, nhịp tim nhanh, khô niêm mạc, thiểu niệu, phù não, suy thận, sốc và hôn mê,…

Nồng độ Kali trong máu

Kali trong máu bình thường ở mức 3,5-4,5 mmol/l, tồn tại chủ yếu ở khu vực tế bào, tạo áp suất thẩm thấu cho nội bào. Do đó, ion K+ giữ vai trò quan trọng trong dẫn truyền thần kinh, co cơ, chức năng màng tế bào và hoạt động enzyme.

Nồng độ K+ trong máu ảnh hưởng lớn đến hoạt động của cơ tim, nhịp tim.

Tăng K+ trong máu

Tăng K+ trong máu có thể do các nguyên nhân:

– Nhiễm toan.

– Suy thận.

– Nguyên nhân do tế bào: sốc phản vệ, bỏng nặng, chấn thương nặng, tiêu cơ vân,…

– Tan máu.

– Suy vỏ thượng thận.

Bệnh nhân có triệu chứng: chướng bụng, tiêu chảy, mệt mỏi, liệt mềm, nhịp tim chậm, ngừng tim,…

Giảm K+ trong máu

Giảm K+ trong máu có thể do các nguyên nhân:

– Nhịn đói, nghiện rượu, truyền dịch kéo dài,…

– Khi điều trị bằng cortisol, thuốc lợi tiểu kéo dài.

– Hấp thu kém.

– Nôn mửa, tiêu chảy,…

– Bệnh liệt chu kỳ di truyền Westphal.

Bệnh nhân có triệu chứng: mệt mỏi, phản xạ kém, yếu cơ, liệt mềm, tiểu tiện đêm,…

Nồng độ Clo trong máu

Nồng độ Clo trong máu bình thường ở mức 90-110 mmol/l, ion này tồn tại chủ yếu ở dịch ngoại bào, cùng các ion khác tạo áp suất thẩm thấu của cơ thể. Do đó, sự thay đổi của nồng độ Cl- thường đi kèm với thay đổi nồng độ Na+.

Tăng Cl- trong máu

Tăng Cl- trong máu có thể do các nguyên nhân:

– Mất nước.

– Đái tháo nhạt.

– Ưu năng vỏ thượng thận.

– Đái tháo đường.

Giảm Cl- trong máu

Giảm Cl- trong máu có thể do các nguyên nhân:

– Mất muối.

– Ăn nhạt.

– Thiểu năng vỏ thượng thận.

Ngoài 3 chỉ số nồng độ Na+, K+ và Cl- thì lượng HCO3- (bicarbonat) và tổng lượng CO2 cũng có thể được phân tích để chẩn đoán và điều trị bệnh.

CÁCH ĐỌC KẾT QUẢ XÉT NGHIỆM KHÍ MÁU

Thanh Hằng Lê No Comments

Khí máu là một xét nghiệm có giá trị, cung cấp nhiều thông tin cho các bác sỹ, đặc biệt là các bác sỹ làm việc tại các khoa Điều trị Tích cực về tình trạng toan kiềm, tình trạng thông khí và tình trạng oxy hóa máu của bệnh nhân. Nếu ta làm thêm khí máu tĩnh mạch trung tâm (lấy qua catheter tĩnh mạch trung tâm), khí máu từ mao mạch phổi (lấy qua catheter Swan-Ganz) ta có thể có thêm được các thông tin về khả năng sử dụng oxy của tổ chức và tình trạng shunt của mạch máu hệ thống và mạch máu phổi.

Kết quả, về cơ bản chúng ta hiểu như sau:

Cách đọc kết quả xét nghiệm khí máu
Cách đọc kết quả xét nghiệm khí máu
  • Trị số bình thường:

– pH: 7,35-7,45

– pCO2: 35-45

– pO2: 71-104

– HCO3-: 18-23 mmol/l

– BE: -2,0-3,0 mmol/l

  • Nhiễm kiềm: pH, HCO3, BE tăng hoặc pCO2 giảm
  • Nhiễm toan: pH, HCO3, BE giảm hoặc pCO2 tăng
  • pO2 giảm: suy hô hấp, pO2 tăng trong thở máy.

Chúng ta cần phải biết rằng các thông số đó sẽ khác nhau không đáng kể giữa các phòng xét nghiệm.

Các thuật ngữ thường dùng cho diễn giải tình trạng toan -kiềm gồm:

  • Toan máu: chỉ ra khi pH máu thấp, < 7.38.
  • Kiềm máu: chỉ ra khi pH máu cao, > 7.42.
  • Nhiễm toan: Chỉ ra bởi bất cứ tiến trình nào mà, nếu để mất sự kiểm soát sẽ dẫn đến toan máu. Vấn đề này có thể xảy ra qua một trong hai cơ chế sau:
    • Toan hô hấp tồn tại khi PCO2 cao (> 44)
    • Toan chuyển hóa tồn tại khi HCO3- thấp (< 22)
  • Nhiễm kiềm:  Chỉ ra bởi bất cứ tiến trình nào mà, nếu để mất sự kiểm soát sẽ dẫn đến kiềm máu. Vấn đề này có thể xảy ra qua một trong hai cơ chế sau:
    • Kiềm hô hấp tồn tại khi PCO2 thấp (< 36 )
    • Kiềm chuyển hóa tồn tại khi HCO3- cao (> 26)
Các số liệu được thể hiện như thế nào?

Các thông số từ kết quả xét nghiệm nếu không được ghi rõ ràng, chúng ta cần phải ghi nhớ rằng chúng được thể hiện qua thứ tự sau: pH   PCO2   PO2   HCO3

Trước khi phân tích kết quả cần chắc chắn số liệu là chính xác

Có 2 vấn đề mà người phân tích kết quả khí máu động mạch cần làm:

Thứ nhất: Chắc chắn mẫu xét nghiệm là máu động mạch chứ không phải là máu tĩnh mạch: Cách tốt nhất để phân biệt là quan sát dòng máu vào bơm tiêm lấy máu, thấy như là máu được hút vào bơm tiêm, đây là máu động mạch. Tương tự như vậy, máu động mạch thường đầy bơm tiêm ngay. Lưu ý là không thể dựa vào màu của máu để xác định, bởi một bệnh nhân giảm oxy máu nhiều, máu sẽ có màu đen. Nếu không thấy máu như được hút vào trong bơm tiêm, có thể sử dụng PO2 như là chỉ dẫn. Nếu bệnh nhân không giảm oxy máu nhiều khi lấy máu mà nhận được PO2 lại rất thấp với kết quả trong 30-40 giây, khả năng nhiều là máu tĩnh mạch. Cách này khó để sử dụng với bệnh nhân giảm  oxy máu nặng.

Thứ hai: Phải chắc chắn là không có lỗi định lượng. Cách đơn giản là so sánh giá trị của bicarbonate từ khí máu (một giá trị tính toán) với bicarbonate từ bảng chuyển hóa toàn diện (một giá trị định lượng). Chúng không luôn luôn giống nhau nhưng thường không chênh lệch nhiều (trong khoảng 10%). Lưu ý là sự so sánh này chỉ có giá trị khi bảng chuyển hóa toàn diện và khí máu được định lượng ở tại một thời điểm sát nhau.

Cẩn thận hơn là có thể xem sự thống nhất giữa khí máu và bảng chuyển hóa toàn diện, bởi sử dụng phương trình Henderson-Hasselbach. Phương trình được sử dụng để tính pH mà bạn mong đợi dựa trên PCO2 and HCO3– định lượng. pH này được so sánh với pH định lượng. Nếu giá trị giống nhau, mẫu máu là hợp lý, nếu khác xa nhau, có thể có lỗi định lượng.

Nhìn chung, với những bệnh nhân nặng thì việc đọc kết quả khí máu động mạch đóng vai trò quan trọng trong chẩn đoán, theo dõi điều trị. Đặc biệt bệnh nhân thở máy rất cần phân tích kết quả khí máu động mạch để điều chỉnh thông số thở máy.

Khi nào cần xét nghiệm điện giải?

Thanh Hằng Lê No Comments

Điện giải là gì?

Trước khi tìm hiểu về xét nghiệm điện giải, ta cần biết điện giải là gì và vai trò của nó với cơ thể. Điện giải là những khoáng chất và chất dịch mang điện tích tồn tại trong máu nước tiểu và mô cơ thể ở dạng muối không tan.

Khi cơ thể khỏe mạnh, hai bên màng tế bào luôn có sự cân bằng điện tích, giúp các quá trình trao đổi hóa học, hoạt động cơ và nhiều quá trình sống khác của cơ thể diễn ra bình thường.

Tuy nhiên, khi vận động nặng, co cơ, đổ mồ hôi, hay bệnh lý về tim, thận,… sự cân bằng điện tích bị phá vỡ, nồng độ ion điện giải tăng hoặc giảm, gây nhiều ảnh hưởng đến cơ thể. Tình trạng này là rối loạn điện giải.

Rối loạn điện giải khiến cơ thể mệt mỏi, yếu cơ, nặng hơn có thể khiến nhịp tim thất thường, co giật, nôn mửa, không can thiệp kịp thời sẽ dẫn tới tử vong. Nếu lượng Na+, Ca 2+ trong cơ thể quá cao cũng gây hại đến thận và gan.

Xét nghiệm điện giải là gì?

Xét nghiệm điện giải là một xét nghiệm định lượng nồng độ các ion điện giải trong cơ thể, xem chúng có ở mức bình thường hay cao, thấp bất thường và ảnh hưởng của chúng đến sức khỏe cơ quan nội tạng xem xét riêng biệt hoặc toàn cơ thể.

Xét nghiệm điện giải đồ rất quan trọng trong chẩn đoán và điều trị bệnh nhân bị rối loạn điện giải. Ngoài ra, xét nghiệm này cũng có vai trò nhất định trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý liên quan khác.

Khi nào cần làm xét nghiệm điện giải
Khi nào cần làm xét nghiệm điện giải
Khi nào cần xét nghiệm điện giải?

Xét nghiệm điện giải thường được chỉ định khi bệnh nhân có các dấu hiệu của tình trạng rối loạn điện giải trong cơ thể. Các triệu chứng lâm sàng của bệnh lý rối loạn này là: mất nước, tim đập bất thường, hoa mắt chóng mặt, tuần hoàn máu kém,…

Với những bệnh nhân có triệu chứng lú lẫn, yếu, buồn nôn, phù nề, rối loạn nhịp tim,… của bệnh lý đã biết, xét nghiệm các chất điện giải được chỉ định kết hợp để đánh giá bệnh cấp hay mạn tính, hay ảnh hưởng của thuốc điều trị.

Xét nghiệm điện giải đưa ra chỉ số định lượng cụ thể các chất điện giải, giúp bác sỹ xác định chính xác tình trạng của bệnh nhân để điều trị.

Xét nghiệm điện giải tiến hành thế nào?

Xét nghiệm điện giải đồ định lượng nồng độ chất điện giải được thực hiện với mẫu máu được lấy trên bệnh nhân. Do đó, bạn cần đến trung tâm xét nghiệm có dịch vụ xét nghiệm này để thực hiện lấy máu và đưa mẫu bệnh phẩm đến phòng xét nghiệm phân tích.

Một số thực phẩm liên quan hoặc thuốc điều trị có thể được lưu ý ngưng sử dụng nếu chúng làm ảnh hưởng đến nồng độ chất điện giải trong cơ thể.

Bạn hãy hỏi ý kiến bác sỹ về các vấn đề bạn gặp phải khi thực hiện xét nghiệm để được hỗ trợ.

KHI NÀO CẦN XÉT NGHIỆM KHÍ MÁU ĐỘNG MẠCH

Thanh Hằng Lê No Comments

Xét nghiệm khí máu động mạch (ABG) đo độ axit (pH), nồng độ oxy và carbon dioxide trong máu động mạch. Xét nghiệm này được sử dụng để kiểm tra xem phổi có khả năng di chuyển oxy vào máu và loại bỏ carbon dioxide trong máu như thế nào.

Khi máu đi qua phổi, oxy di chuyển vào máu trong khi carbon dioxide di chuyển ra khỏi máu vào phổi. Xét nghiệm khí máu động mạch sử dụng máu lấy từ động mạch, trong đó nồng độ oxy và carbon dioxide có thể được đo trước khi chúng đi vào các mô cơ thể.

Áp suất của oxy (PaO2). Điều này đo áp lực oxy hòa tan trong máu và mức độ oxy có thể di chuyển từ phổi vào máu.

Áp suất của carbon dioxide (PaCO2). Điều này đo áp lực của carbon dioxide hòa tan trong máu và mức độ carbon dioxide có thể di chuyển ra khỏi cơ thể.

Khi nào cần xét nghiệm khí máu
Khi nào cần xét nghiệm khí máu

pH. Độ pH đo các ion hydro (H +) trong máu. Độ pH của máu thường nằm trong khoảng 7,35 đến 7,45. Độ pH nhỏ hơn 7,0 được gọi là axit và pH lớn hơn 7,0 được gọi là (kiềm). Vì vậy, máu là hơi kiềm.

Bicarbonate (HCO3). Bicarbonate là một chất đệm giữ cho pH của máu không bị quá axit hoặc quá kiềm.

Hàm lượng oxy (CTO2) và bão hòa oxy (SatO2). Hàm lượng O2, đo lượng oxy trong máu. Độ bão hòa oxy đo lường bao nhiêu lượng huyết sắc tố trong các tế bào hồng cầu mang oxy (O2).

Khi nào cần lấy khí máu động mạch?

Máu cho xét nghiệm xét nghiệm khí máu động mạch được lấy từ động mạch. Hầu hết các xét nghiệm máu khác được thực hiện trên một mẫu máu lấy từ tĩnh mạch, sau khi máu đã đi qua các mô của cơ thể nơi oxy được sử dụng hết và carbon dioxide được tạo ra.

Khí máu động mạch được sử dụng trong rất nhiều trường hợp như sau:

  • Suy hô hấp – ví dụ, trong cơn hen cấp, viêm phổi và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (chronic obstructive pulmonary disease – COPD).
  • Các bệnh lý nặng có thể gây ra sự tích tụ chất toan, như: du khuẩn huyết hay nhiễm trùng huyết; Suy cơ quan, như suy tim, suy gan, tổn thương thận cấp và mạn tính; Đái tháo đường nhiễm toan ceton; Suy đa cơ quan; Bỏng; Ngộ độc.
  • Bệnh nhân thông khí nhân tạo.
  • Bệnh nhân nặng bất kể nguyên nhân – khí máu cung cấp thông tin cho việc tiên lượng.

Điều cần biết thêm

Chỉ riêng giá trị khí máu động mạch (ABG) không cung cấp đủ thông tin để chẩn đoán vấn đề. Ví dụ, họ không thể biết liệu mức độ thấp là do các vấn đề về phổi hoặc tim. Giá trị khí máu động mạch là hữu ích nhất khi chúng được xem xét với các kiểm tra và xét nghiệm khác.

Xét nghiệm khí máu động mạch thường được thực hiện cho một người đang ở trong bệnh viện vì chấn thương nặng hoặc bệnh tật. Xét nghiệm có thể đo mức độ hoạt động của phổi và thận của người đó và cơ thể sử dụng năng lượng tốt như thế nào.

Xét nghiệm khí máu động mạch có thể hữu ích nhất khi nhịp thở của một người tăng hoặc giảm hoặc khi người đó có lượng đường trong máu (glucose) rất cao, nhiễm trùng nặng hoặc suy tim.

Nếu cần một vài mẫu máu, một ống thông (ống thông động mạch) có thể được đặt trong động mạch. Máu sau đó có thể được thu thập khi cần thiết.

NGUYÊN LÝ HOẠT ĐỘNG CỦA MÁY XÉT NGHIỆM HUYẾT HỌC TỰ ĐỘNG

Thanh Hằng Lê No Comments

1. Phân tích hồng cầu (RBC) và tiểu cầu (PLT)

– Tại buồng đếm RBC/PLT, các hồng cầu hình đĩa lõm 2 mặt và tiểu cầu hình đĩa lồi 2 mặt được xử lý cầu hóa đẳng tích bằng SDS và được cố định hình dạng hình cầu bằng Glutaraldehyde, nhằm loại trừ sai sót do những tư thế khác nhau của hồng cầu/tiểu cầu khi đi ngang qua điểm đo.

– Sau khi xử lý, hồng cầu/tiểu cầu có dạng hình cầu nhưng vẫn giữ thể tích ban đầu, nhờ dạng hình cầu mà máy có thể đo ở mọi tư thế mà vẫn đảm bảo phản ánh đúng thể tích.

PHÂN TÍCH HỒNG CẦU

– Hồng cầu khi đi ngang qua điểm đo, được chiếu nguồn Laser 670 nm, ánh sáng sau đó được phân tán thành nhiều hướng. Máy phân tích tán xạ ở 2 góc:

  • Góc hẹp 2-3 độ: phản ánh thể tích hồng cầu (CV-Cell volume)
  • Góc rộng 5-15 độ: phản ánh hàm lượng HGB trong hồng cầu (CH-Cell hemoglobin).

– Tín hiệu thu được trên mỗi góc là cặp dữ liệu liên quan đến mỗi hồng cầu đi ngang qua điểm đo và được đánh dấu trên biểu đồ theo lý thuyết Mie.

– Thông qua dữ liệu ghi được sẽ đưa ra các thông số về hồng cầu như sau:

  • RBC: là tổng số tín hiệu đếm được trong ngưỡng quy định
  • HC (nồng độ hemoglobin, đơn vị g/dL) = CH/CV
  • HCT (thể tích khối hồng cầu) = tổng các CV
  • MCV (thể tích trung bình hồng cầu): trung bình cộng của các CV
  • MCH (hàm lượng huyết sắc tố trung bình hồng cầu): tổng các CH
  • CHCM hay MCHC (nồng độ huyết sắc tố trung bình hồng cầu): trung bình cộng của các CH
  • HDW (Hemoglobin distribution width): độ phân bố nồng độ hemoglobin
  • CHDW (Content hemoglobin distribution width): độ phân bố hàm lượng hemoglobin

– Biểu đồ chính trình bày sự phân bố và tương quan giữa CV và CH; còn có các biểu đồ trình bày sự phân bố của CV, CH, HC. Biểu đồ chính sẽ xếp loại tế bào theo tiêu chuẩn:

  • Hồng cầu nhỏ (micro): CV < 60 fL
  • Hồng cầu to (macro): CV > 120 fL
  • Hồng cầu nhược sắc (hypo): CH < 28 g/dL
  • Hồng cầu ưu sắc (hyper): CH > 41 g/dL

– Có thể xem được các thông số phụ là % số tế bào được xếp loại là micro, macro, hypo và hyper.
Dựa trên các thông số % phụ này mà các cảnh báo về hình thái tế bào (morphology flag) sẽ được đưa ra khi thỏa các điều kiện quy định trước cho các loại cảnh báo này: ANISO (hồng cầu to nhỏ không đều), macro, micro; HCVAR (nồng độ hemoglobin hồng cầu không đều), hypo, hyper.

– Ngoài ra còn các cảnh báo hình thái khác liên quan đến hình dạng bất thường của hồng cầu hoặc các loại nhiễu có thể có: RBC fragments (mảnh vỡ hồng cầu), RBC Ghosts (bóng ma hồng cầu), NRBC (hồng cầu nhân). Các ngưỡng quy định cho cảnh báo hình thái đều có thể thay đổi được do người sử dụng.

Máy xét nghiệm huyết học swelab Lumi
Máy xét nghiệm huyết học swelab Lumi

PHÂN TÍCH TIỂU CẦU
– Tiểu cầu đi ngang qua điểm đo, được chiếu nguồn Laser 670 nm. Tiểu cầu được khảo sát 2 chiều ở ngưỡng thấp, phân tích tán xạ ở 2 góc:

  • Góc hẹp 2-3 độ: phản ánh kích thước tiểu cầu
  • Góc rộng 5-15 độ: phản ánh mật độ tế bào (Cell density)

Tín hiệu thu được trên mỗi góc là cặp dữ liệu liên quan đến mỗi tiểu cầu đi ngang qua điểm đo, theo nguyên tắc khảo sát từng tế bào cell by cell, và được đánh dấu trên biểu đồ theo lý thuyết Mie như khảo sát hồng cầu.

– Đặc điểm của phân tích tiểu cầu là phân tích cả các tiểu cầu to (Large Platelets), nhưng nếu phân tích và đếm số lượng tiểu cầu to sẽ có nguy cơ nhầm lẫn với các tế bào bất thường khác như: mảnh hồng cầu (RBC Fragments), bóng ma hồng cầu (RBC ghost),..; cũng như kích thước các tiểu cầu to thường chống lấn, lẫn với hồng cầu, đặc biệt là hồng cầu nhỏ. Do đó cần thêm yếu tố mật độ tế bào (cell density).

 Phân tích Hemoglobin (HGB)
– Phương pháp Laser có thể đo trực tiếp HGB trong hồng cầu mà không cần ly giải hồng cầu bằng Cyanmethemoglobin. Các thông số MCV, MCH được tính toán từ Hemoglobin đo được, được kiểm tra chéo với thông số CH và CHCM đo trực tiếp trên tế bào không ly giải. Khi 2 thông số đo có sự chênh lệch vượt quá giới hạn nhất định sẽ có những cảnh bảo của máy và nguyên nhân có thể là:

  • Mẫu có nhiều mỡ (Lipidemic), Bilirubin hay Chylomicron
  • Mẫu thử có số lượng bạch cầu cao > 60 G/L
  • Tiểu cầu kết cụm, mẫu thử ở trẻ sơ sinh
  • Sai số kỹ thuật xảy ra ở kênh Hemoglobin hoặc RBC

Phân tích Hồng cầu lưới (RET-Reticulocyte)
– Phương thức xử lý và phân tích tương tự như khảo sát hồng cầu, nhưng hồng cầu lưới được nhuộm với Oxazine 750 để nhuộm màu acid nucleic và khảo sát độ hấp thu chất màu này trên nguồn sáng Laser 670 nm, đối chiếu trực tiếp với kích thước và hàm lượng Hemoglobin của hồng cầu lưới. Kết quả khảo sát được, cho phép đưa ra được các thông số về hồng cầu lưới như sau:

  • Retic (Reticulocyte – hồng cầu lưới) : số lượng tuyệt đối và phần trăm % so với tổng số hồng cầu
  • CHr (hàm lượng hemoglobin hồng cầu lưới)
  • MCVr (thể tích trung bình hồng cầu lưới)
  • CHCMr (nồng độ hemoglobin trung bình hồng cầu lưới)

Nguyên tắc phân tích Bạch Cầu – Kênh Basophil-Lobularity
– Dựa trên nguyên tắc: Bạch cầu đoạn ưa base (Basophilic segmented) có tính đề kháng với sự ly giải hỗn hợp acid phtaleic và chất surfactant (chất hoạt hóa bề mặt). Máu toàn phần được trộn với thuốc thử (Phtaleic acid & Surfactant) làm tế bào hồng cầu và bào tương của các loại tế bào khác bị ly giải, ngoại trừ bạch cầu đoạn ưa base, chỉ còn lại tế bào bạch cầu base và nhân các tế bào bạch cầu khác.

– Hỗn hợp mẫu thử được phân tích trên cùng hệ thống quang học như phân tích hồng cầu: nguồn sáng là Laser diod 670nm, phân tích tán xạ:

  • Góc hẹp 2-3 độ: phản ảnh kích thước bạch cầu
  • Góc rộng 5-15 độ: phản ảnh độ phức tạp của nhân bạch cầu (số múi nhân).

Nguyên tắc phân tích Bạch Cầu

– Peroxidase có trong nhiều loại bạch cầu khác nhau. Dựa vào đó, tiến hành nhuộm Peroxidase bằng hỗn hợp Hydrogen peroxide và chất màu thích hợp. Sau khi nhuộm, Peroxidase tạo ra một chất màu đậm bên trong bạch cầu. Phương pháp này cho phép phân lập rõ Monocyte khỏi nhóm Neutrophil cũng như nhóm các tế bào to không bắt màu LUC (Large Unstained Cell). Do đó kênh Peroxidase cho phép đếm chính xác 3 nhóm bạch cầu bắt màu (Neutrophil, Eosinophil và Monocyte) và 2 nhóm không bắt màu (Lymphocyte và LUC):

  • Neutrophil và Eosinophil được nhận biết do có hoạt tính peroxidase rất cao, nhưng có thể phân biệt hai loại tế bào này nhờ sự khác biệt về kích thước.
  • Monocyte chứa một hàm lượng thấp peroxidase, nên có thể phân biệt thành một quần thể riêng biệt, tách khỏi nhóm LUC, nhưng có thể lẫn với một số tế bào Neutrophil chứa quá ít peroxidase trong bào tương.

HƯỚNG DẪN CÁCH ĐỌC KẾT QUẢ XÉT NGHIỆM MÁU

Thanh Hằng Lê No Comments

Sau khi đã có kết quả xét nghiệm máu, các bác sĩ sẽ căn cứ vào các chỉ số để chẩn đoán tình trạng sức khỏe của bạn. Nhưng cũng có nhiều trường hợp, bác sĩ chỉ đơn giản đề cập sức khỏe của bạn là hoàn toàn bình thường, khỏe mạnh mà không giải thích cặn kẽ các chỉ số. Điều này khiến bạn không thể đoán biết được các nguy cơ tiềm ẩn để chủ động phòng tránh. Sau đây, chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn các tự đọc các chỉ số cơ bản trong phiếu kết quả xét nghiệm máu.

Một người được coi là có sức khỏe bình thường nếu các chỉ số trên nằm trong giới hạn sau:

  • CHOLESTEROL: nồng độ nằm trong khoảng 3.4 – 5.4 mmol/l được coi là bình thường.
  • TRYGLYCERID: nồng độ nằm trong khoảng 0.4 – 2.3 mmol/l được coi là bình thường.
  • HDL-Choles: nồng độ nằm trong khoảng 0.9 – 2.1 mmol/l được coi là bình thường.
  • LDL-Choles: nồng độ nằm trong khoảng 0 – 2.9 mmol/l được coi là bình thường.
Hướng dẫn cách đọc kết quả xét nghiệm máu
Hướng dẫn cách đọc kết quả xét nghiệm máu

Nếu các chỉ số trên vượt mức giới hạn thì nguy cơ bạn mắc các bệnh về tim mạch hoặc huyết áp là khá cao. Tuy nhiên ở mỗi chỉ số lại biểu thị các bệnh lý khác nhau: Nếu chỉ số HDL – Choles (chỉ số biểu thị lượng mỡ tốt) vượt mức giới hạn thì sẽ gây xơ tắc mạch máu, còn lượng CHLESTEROL & LDL – Choles vượt mức sẽ khiến cho tình trạng huyết áp của bạn thường xuyên tăng vọt (huyết áp cao) nếu tình trạng này kéo dài mà không có một chế độ điều trị cũng như rèn luyện sức khỏe hợp lý sẽ dẫn đến nguy cơ tai biến, đột quỵ. Đây được coi như những căn bệnh khiến bạn tử vong “bất đắc kỳ tử” (đột ngột).

Để hạn chế các chỉ số trên tăng quá mức, giảm thiểu nguy cơ về các bệnh tim mạch/huyết áp thì bạn nên bạn chế ăn các thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ hoặc chất béo xấu, có lượng cholesterol cao như: phủ tạng động vật, các loại thịt đỏ, trứng gia cầm, các loại da động vật, tăng cường các loại rau xanh, trái cây giàu vitamin trong thực đơn hàng ngày. Bên cạnh đó, việc tăng cường vận động, tham gia các hoạt động thể dục thể thao là ưu tiên hàng đầu. Một lối sống lành mạnh sẽ giúp bạn nói không với các căn bệnh nguy hiểm trên.

Chỉ số lượng đường trong máu: GLU (GLUCOSE)

Đối với một người bình thường, khỏe mạnh thì lượng đường trong máu sẽ có giới hạn trong khoảng 4,1 – 6,1 mnol/l. Nếu trong phiếu xét nghiệm, chỉ số này tăng đột biến, vượt quá giới hạn thì bạn đang có nguy cơ cao là mắc bệnh tiểu đường.

Chỉ số biểu thị tình trạng chức năng gan (men gan): SGOT & SGPT

Chức năng thải độc của gan sẽ trở nên suy giảm nếu chỉ số SGOT vượt quá giới hạn 9.0 – 48.0 và 5.0 – 49.0 đối với chỉ số SGPT. Khi có kết quả không mong muốn, bạn nên điều chỉnh lại chế độ ăn uống của mình, nên thường xuyên ăn các thực phẩm tốt cho gan, uống đủ nước mỗi ngày, hạn chế/tránh ăn các thực phẩm mà gan khó hấp thu, ảnh hưởng đến khả năng lọc chất của gan như: chất béo từ mỡ động vật, các loại protein không lành mạnh, không nhiều rượu bia và các loại nước ngọt có gas.

Đồng thời việc rèn luyện sức, khỏe chơi thể dục thể thao sẽ rất tốt cho quá trình trao đổi chất của gan, giúp cho lá gan của bạn luôn khỏe mạnh.

Các chỉ số biểu thị sự gia tăng lượng mỡ trong máu: CHOLESTEROL, TRYGLYCERID, HDL-CHOLES, LDL-CHLES

Chỉ số cholesterol trong máu cao khiến bạn có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và huyết áp.

Chỉ số biểu thị nguy cơ mắc viêm gan siêu vi B: GGT

Chỉ số GGT hay đầy đủ là Gama globutamin, là chất miễn dịch cho tế bào gan. Giới hạn bình thường của GGT trong máu sẽ là 0 – 53, nếu vượt quá giới hạn này thì chứng tỏ chức năng gan đang bị suy giảm, khả năng thải độc và loại bỏ tạp chất của gan không còn tốt. Điều này là vô cùng nguy hiểm, nếu chỉ số GGT cứ tiếp tục tăng thì nguy cơ suy gan rất cao. Với người nhiễm siêu vi B trong máu thì đây quả thực là một tin không vui chút nào. Nếu các chỉ số GGT, SGOT, SGPT của nhóm đối tượng này cùng tăng lên thì khả năng mắc căn bệnh nguy hiểm viêm gan siêu vi B là rất lớn.

Chỉ số URE trong máu

Đây là chỉ số biểu thị sản phẩm thoái hóa của protein được thận thải ra. Đối với một người bình thường, khỏe mạnh thì giới hạn URE sẽ nằm trong khoảng 2.5 – 7.5 mmol/l.

Chỉ số Nitơ của URE trong máu: BUN

Giới hạn BUN của một người bình thường nằm trong khoảng 4.6 – 23.3 mg/dl. Chỉ số này tăng hoặc giảm cũng đều gây ra các vấn đề hay bệnh lý về thận. Nếu:

  • Tăng trong, mắc các bệnh như: suy thận, suy tim, dư đạm,…
  • Giảm trong, mắc các bệnh như: thiếu đạm, bệnh gan ở tình trạng nặng,…

Chỉ số CRE (Creatinin)

Đây là chỉ số biểu thị lượng sản phẩm đào thải do tình trạng thoái hóa creatin phosphat ở cơ. Sự hình thành này phụ thuộc vào khối lượng cơ trên cơ thể, được lọc qua cầu thận và thải ra ngoài thông qua đường nước tiểu. Với chỉ số này bạn có thể xác định chức năng cầu thận, bởi vì đây là lượng đạm ổn định hình thành không phải từ chế độ ăn.

Giới hạn CRE ở một người bình thường là: 62 – 120 umol/l (đối với nam) và 53 – 100 umol/l (đối với nữ). Nếu tăng trong thì nguy cơ mắc các bệnh về thận, suy tim, tiểu đường, tăng huyết áp vô căn là khá cao; còn nếu giảm trong thì báo hiệu tin mừng (có thai) hoặc sản giật.

Chỉ số nồng độ URIC (Acid Uric = urat) trong máu

Đây sản sản phẩm chuyển hóa của ADN và ARN ở người, được thải chủ yếu qua đường nước tiểu. Giới hạn bình thường: 180 – 420 umol/l (đối với nam) và 150 – 360 umol/l (đối với nữ). Nếu tăng trong, các bệnh có nguy cơ mắc: bệnh Lesh Nyhan, Von Gierke, suy thận, xơ vữa động mạch, bệnh Gout,…Ngược lại nếu giảm trong, có nguy cơ mắc: bệnh Wilson, tổn thương tế bào gan,…

Chỉ số biểu thị kết quả miễn dịch của cơ thể

Chỉ số Anti-HBs: Cho biết khả năng bạn có bị nhiễm virus siêu vi B trong gan hay không (Nếu nổng độ Anti-HBs < 12 mUL/m thì âm tính với loại virus này).

Các chỉ số trên là các chỉ số biểu thị kết quả sinh hóa máu, ngoài ra còn có các chỉ số biểu thị thành phần công thức của máu. Tuy nhiên, các chỉ số này thường khá khó hiểu và cần sự giải thích của các bác sĩ chuyên môn mới có thể nhận biết được là có sự bất thường hay không. Sau khi nhận kết quả xét nghiệm máu, để yên tâm bạn nên hỏi kỹ bác sĩ về sự bất thường của các chỉ số trong tờ phiếu kết quả.

Hi vọng với những kiến thức trên, bạn có thể tự đoán biết được tình trạng sức khỏe của chính mình. Khi nhận thấy các chỉ số có nguy cơ tăng vọt hoặc giảm so với mức giới hạn, bạn nên liên hệ tư vấn tại các cơ sở y tế chuyên môn, đồng thời điều chỉnh chế độ sống khoa học cũng nên là yêu tiên hàng đầu. Chúc bạn và gia đình luôn mạnh khỏe.

Giải pháp trọn gói từ nhập khẩu tới tận tay người sử dụng

Với kinh nghiệm hơn 22 năm trên thị trường, chúng tôi hoàn toàn có đủ năng lực và kinh nghiệm để giúp quý khách hàng có được giải pháp tổng thể: từ tư vấn thiết kế, cung cấp thiết bị cho đến thi công và bảo hành.